Chỉ thị số 15/2012/CT-UBND tăng cường các giải pháp thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu: 15/2012/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
Ngày ban hành: 01/06/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2012/CT-UBND

Hải Dương, ngày 01 tháng 6 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương và các hội, đoàn thể tỉnh đã tập trung tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 5 tháng đầu năm 2012 còn một số tồn tại, hạn chế: Chưa đạt chỉ tiêu giảm 5% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương (số vụ tai nạn giao thông tăng 25%, số người chết tăng 6,7% và số người bị thương tăng 76%); các vi phạm quy tắc giao thông đường bộ còn nhiều; vi phạm hành lang ATGT còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng; tình trạng phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, các bến thủy nội địa không đủ điều kiện vẫn hoạt động chưa được xử lý kịp thời. Một số sở, ngành, hội, đoàn thể chưa quan tâm thích đáng tới công tác đảm bảo ATGT; công tác phối hợp thực hiện, điều hành giữa các ngành, các địa phương chưa tốt, hiệu quả không cao.

Nhằm đạt được các mục tiêu trong năm an toàn giao thông và các năm tiếp theo, nhất là mục tiêu tối thiểu giảm 5% số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và các hội, đoàn thể tỉnh:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông; tích cực tham gia và hưởng ứng các hoạt động trong năm an toàn giao thông để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó:

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, các cơ quan thông tin đại chúng: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, tăng cường thời lượng và số lượng thông tin tuyên truyền; trong công tác tuyên truyền có tổ chức tuyên truyền lưu động, quảng cáo, triển lãm và các hình thức khác, nhất là tại các xã vùng xa khu vực trung tâm các huyện, thành phố, thị xã. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trên cả chiều rộng và chiều sâu; tăng cường tin, bài, chuyên mục và thời gian phát sóng đưa tin; chú trọng tuyên truyền nhân tố điển hình, gương người tốt, việc tốt; phê phán tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Phối hợp với Công an tỉnh thông báo công khai danh sách các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông.

Công an tỉnh phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án tỉnh thực hiện điều tra, xét xử công khai nghiêm khắc các vụ tai nạn giao thông để nâng cao tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa; Tập hợp và thông báo về các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương danh sách những cán bộ, công nhân viên chức, học sinh... vi phạm luật giao thông. Các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương được thông báo có công dân thuộc quyền quản lý vi phạm phải tiến hành kiểm điểm và có báo cáo lại với cơ quan thông báo.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học; xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục văn hóa, pháp luật về giao thông vào giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi, số lượng tiết học phù hợp với chương trình giảng dạy của từng cấp, từng khối.

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo Đài truyền thanh huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân tìm hiểu và chấp hành pháp luật giao thông.

2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông; mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, nhất là trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, Quốc lộ 37 và Quốc lộ 38; phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm trên các tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về vận tải khách, vận tải vật liệu; xe quá khổ, quá tải.

Kiên trì xử lý người đi mô tô không đội mũ bảo hiểm, vi phạm tốc độ cho phép, chở 3 người trở lên, xử lý nghiêm các trường hợp đua xe, lạng lách, đánh võng nhất là vào các ngày nghỉ, ngày lễ, giờ cao điểm, buổi tối tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã, nhất là khoảng thời gian từ 18h đến 24h hàng ngày.

Kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm trật tự ATGT, nhất là các vi phạm hành lang đường bộ, đường sắt; các vi phạm hoạt động giao thông thủy nội địa về phương tiện, bến bãi.

Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Cán bộ, công chức không sử dụng đồ uống có cồn trong giờ làm việc; tuyên truyền, vận động nhân dân và xây dựng quy chế cơ quan, đơn vị không sử dụng đồ uống có cồn vào buổi sáng, buổi trưa.

3. Tăng cường công tác quản ký cơ sở hạ tầng giao thông và nâng cao điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông.

Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp và sửa chữa; nâng cao chất lượng quản lý các tuyến đường bộ.

Rà soát, thống kê các điểm đen, các vị trí giao cắt trái phép với đường bộ, đường sắt thường xuyên xảy ra TNGT để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các hư hỏng mới phát sinh; bổ sung biển báo hiệu, sơn gờ giảm tốc, vạch kẻ đường.

Thực hiện tốt công tác bảo đảm ATGT tại các vị trí, đoạn đường đang thi công.

Trên các tuyến đường thủy nội địa, tăng cường công tác quản lý, bổ sung hệ thống báo hiệu, thanh thải chướng ngại vật, đảm bảo cho phương tiện đi lại đúng luồng và an toàn.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe: cải tiến chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện, kiến thức pháp luật trật tự ATGT; coi trọng chất lượng sát hạch và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện.

Triển khai thực hiện công tác quản lý và bảo vệ hành lang ATGT theo nội dung của Nghị định 11/2010/NĐ - CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ, Quyết định số 04/2012/QĐ - UBND ngày 02/02/2012 của UBND tỉnh Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh trong Kế hoạch số 107/KH-ATGT ngày 28/12/2011 thực hiện năm an toàn giao thông 2012. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định và sự chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó:

Ban ATGT tỉnh có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo và đôn đốc các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm ATGT; chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện nếu không thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại đơn vị, địa phương phụ trách phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và coi đó là một trong những yêu cầu bắt buộc cần có để xem xét, đề nghị thi đua cho cơ quan, chính quyền.

5. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban ATGT tỉnh xây dựng tài liệu tuyên truyền riêng về văn hóa và pháp luật giao thông để phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tăng cường phổ biến, giáo dục cán bộ, đoàn viên, hội viên của cơ quan đơn vị mình chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức các hoạt động thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục và hoạt động có hiệu quả trong việc gắn công tác bảo đảm trật tự ATGT với các hoạt động của Hội, Đoàn thể, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức chấp hành luật giao thông trong nhân dân.

6. Kinh phí thực hiện

Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan thực hiện phân bổ nguồn kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định, trình UBND tỉnh quyết định và chuyển kinh phí kịp thời cho các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Công tác bảo đảm trật tự ATGT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này, tạo cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT một cách bền vững trong năm An toàn giao thông 2012 và các năm tiếp theo, kiên quyết kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.