Chỉ thị 15/2007/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
Số hiệu: 15/2007/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thành Tài
Ngày ban hành: 28/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/07/2007 Số công báo: Số 43
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2007/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 06 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

 

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với số trường hợp mắc bệnh và tử vong đều tăng cao. Tại thành phố Hồ Chí Minh, số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã gia tăng nhanh từ tháng 6 năm 2007 và đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới đây, đe dọa bùng phát thành dịch lớn nếu không có biện pháp phòng chống mạnh mẽ và hiệu quả.

Nguyên nhân chủ yếu để bệnh sốt xuất huyết vẫn tồn tại và gia tăng nhanh vào mùa mưa là do môi trường của nhiều khu vực dân cư còn bị ô nhiễm, có nhiều vật phế thải, nhiều công trình xây dựng, nhiều rạch chứa đựng nước tù đọng... tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển mạnh. Nhiều khu vực người dân còn sử dụng các vật chứa nước sinh hoạt không đúng cách. Trong khi đó, nhiều quận - huyện, phường - xã chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa tạo được phong trào toàn dân tích cực bảo vệ môi trường, phòng chống sốt xuất huyết, chưa huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, còn giao khoán cho ngành y tế thực hiện các biện pháp phun xịt hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Để khống chế sự phát triển của bệnh sốt xuất huyết trong năm nay, tiến tới kiểm soát được bệnh trong những năm tới, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở - ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tập trung thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Các ngành, các cấp tăng cường công tác thông tin - giáo dục - truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua sinh hoạt tổ dân phố và các đoàn thể nhằm nâng cao ý thức người dân về mối nguy hiểm của dịch bệnh; hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh làm sạch môi trường sống; dẹp bỏ các vật chứa nước không cần thiết ở trong và xung quanh nhà, chú ý vệ sinh các dụng cụ có chứa nước, trong các vật dụng chứa nước ngoài trời... Sử dụng thường xuyên các biện pháp diệt muỗi (nhang trừ muỗi, vợt điện, phun thuốc diệt muỗi, thả cá 7 màu) và các biện pháp phòng ngừa muỗi cắn, nhất là cho trẻ em (mặc áo quần dài, ngủ mùng ban ngày...).

Để vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp trên, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương cần tổ chức các buổi sinh hoạt, trao đổi với người dân trong từng khu phố, tổ dân phố, để tìm ra biện pháp phòng, chống thích hợp, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra nhắc nhở hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân thực hiện.

2. Ủy ban nhân dân các quận - huyện đảm bảo đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch. Thực hiện đầy đủ các chế độ bồi dưỡng cho cán bộ tham gia phòng chống dịch theo quy định. Tại bất cứ khu vực dân cư nào có xảy ra trường hợp bệnh được xác định, phải được xem là ổ dịch nhỏ và chính quyền địa phương phải thực hiện ngay các biện pháp chống dịch một cách toàn diện và triệt để theo hướng dẫn của ngành y tế dập tắt ngay, không để dịch lan rộng.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở - ngành liên quan, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai phong trào thực hiện tổng vệ sinh hàng tháng vào ngày chủ nhật cuối tháng: phát quang môi trường chung quanh nhà, dọn dẹp các bãi rác, bãi phế liệu, khai thông cống rãnh, kênh rạch. Vận động nhân dân lấp bỏ các ao tù, không để trở thành bãi rác, phát sinh muỗi. Kiên quyết xử phạt vi phạm môi trường đối với chủ các công trình xây dựng để nước ứ đọng làm phát sinh muỗi; chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tồn đọng các vật dụng có thể chứa đựng nước phát sinh muỗi, lăng quăng; Ban Quản lý các chợ để mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm túc việc thả cá bảy màu trong các hòn non bộ, các hồ chứa nước, làm vệ sinh môi trường xung quanh trường học, không để lăng quăng và muỗi phát sinh.

5. Sở Y tế tổ chức huấn luyện cho toàn mạng lưới về chẩn đoán và điều trị bệnh. Tổ chức phát hiện sớm, chữa trị kịp thời các trường hợp bệnh, nghi ngờ bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Chuẩn bị đầy đủ, từ tuyến thành phố đến tuyến phường - xã, thuốc điều trị, dịch truyền các loại, hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng và phương tiện phun xịt theo đúng quy định. Thu thập đầy đủ số liệu về dịch bệnh, thực hiện dự báo đúng về diễn biến của dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp và hiệu quả, báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế.

6. Sở Tài chính đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch từ thành phố đến quận - huyện, phường - xã.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông đại chúng tích cực vận động toàn dân tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, tạo nên phong trào sâu rộng đến từng hộ gia đình, thực hiện tốt các yêu cầu vệ sinh bảo vệ môi trường.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

 

 

Nguyễn Thành Tài

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.