Chỉ thị 15/2005/CT-UBND về triển khai Quyết định 222/2003/QĐ-TTg phê duyệt chính sách quốc gia về phát triển Y học cổ truyền đến năm 2010
Số hiệu: 15/2005/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Võ Thành Hạo
Ngày ban hành: 07/07/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2005/CT-UBND

Bến Tre, ngày 07 tháng 7 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI QĐ SỐ 222/2003/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN YHCT ĐẾN NĂM 2010

Củng cố, phát triển mạng lưới Y học cổ truyền theo hướng hiện đại hóa và xã hội hóa đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ngày 03 tháng 11 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg V/v “ban hành chính sách quốc gia về Y học cổ truyền và chiến lược phát triển y dược học cổ truyền đến năm 2010”; Ngày 22/3/2005 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 765/QĐ-BYT V/v phê duyệt chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền đến năm 2010. Tại Bến Tre, công tác chỉ đạo về củng cố và phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành Y tế và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan. Trong thời gian qua, một số ngành, địa phương đã có chương trình hành động cụ thể đẩy mạnh các họat động thuộc lĩnh vực y học cổ truyền và mang lại nhiều kết quả nhưng ngược lại cũng còn có nơi quá đề cao y học hiện đại xem nhẹ các hoạt động y học cổ truyền. Do đó, tốc độ phát triển mạng lưới và các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe bằng y dược học cổ truyền chưa được nâng cao, chưa phát huy thế mạnh của những bài thuốc hay và các phương pháp trị liệu quí giá, chưa đáp ứng nhu cầu về chăm sóc, điều trị bằng y dược học cổ truyền của đông đảo bộ phận nhân dân.

Nhằm triển khai một cách đồng bộ cho sự phát triển bền vững về hoạt động y dược học cổ truyền trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ngành Y tế

Tham mưu tốt cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thành lập Ban chỉ đạo Triển khai thực hiện Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg ngày 03/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc củng cố và phát triển mạng lưới Y dược học cổ truyền (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) và xây dựng kế hoạch củng cố, phát triển y dược học cổ truyền tại mỗi địa phương; chú ý vấn đề xây dựng, củng cố các khoa học y học cổ truyền theo khuynh hướng hiện đại hóa, đầu tư bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng làm công tác y dược học cổ truyền đủ trình độ, năng lực đáp ứng nhiệm vụ; củng cố và phát triển hai vườn thuốc nam mẫu tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Trường Trung học Y tế.

Tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quyết định số 1297/QĐ-UB ngày 26/4/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre V/v kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg ngày 03/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ V/v củng cố và phát triển mạng lưới y học cổ truyền tỉnh Bến Tre và Kế hoạch triển khai của Ban chỉ đạo.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin – tuyên truyền – giáo dục sức khỏe; nâng cao vai trò của Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Tờ tin Sức khỏe trong lĩnh vực này.

Sở Y tế chỉ đạo cho Trung tâm y tế các huyện thị:

Từng bước cụ thể hóa kế hoạch tổng thể và kế hoạch từng giai đoạn cụ thể của Ban chỉ đạo tỉnh và của ngành Y tế; xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo cán bộ y dược học cổ truyền để đảm bảo hệ thống tổ chức mạng lưới kiện toàn từ cấp huyện, thị đến xã, phường, thị trấn.

Đảm bảo chỉ tiêu khám bệnh và sử dụng thuốc y học cổ truyền tại tuyến huyện và tuyến xã phường; tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thị, Sở Y tế cụ thể hóa một số chính sách về biên chế, huy động nhân lực, tài chính để từng bước có nhân sự đảm trách công tác y dược học cổ truyền tại tuyến xã, phường.

Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Đông y, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn để tổ chức trồng và khôi phục vườn thuốc nam theo qui định của ngành Y tế.

Phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin, Đài truyền thanh, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh tuyến xã… để thúc đẩy hoạt động xã hội hóa việc trồng và sử dụng cây, con thuốc nam.

2. Tỉnh hội Đông y

Chủ động phối hợp với ngành y tế đảm bảo phát huy việc thừa kế những bài thuốc nam có giá trị, hiệu quả, thông qua kinh nghiệm điều trị lâu đời của các lương y, lương dược; cần tổng hợp nhân rộng những kinh nghiệm này, hoặc đưa vào những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học mang tính khả thi cao.

Có kế hoạch nuôi trồng cây, con thuốc nam để không bị mai một những vị thuốc, bài thuốc quí có khả năng phát triển phù hợp với vùng thổ nhưỡng của tỉnh nhà.

Củng cố hệ thống Hội tại các huyện thị, xã phường; có kế hoạch góp phần tích vực và cụ thể cùng ngành y tế thực hiện tốt việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn số 4).

3. Sở Văn hóa – Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Khởi

Tăng cường phối hợp với ngành y tế trong việc đẩy mạnh công tác thông tin – giáo dục sức khỏe về cách trồng, sử dụng thuốc nam đối với các chứng và bệnh thông thường, các phương pháp chăm sóc, nâng cao sức khỏe không dùng thuốc trong nhân dân.

Nêu gương những cá nhân, tổ chức, địa phương có thành tích tốt trong phong trào nuôi trồng và sử dụng cây, con thuốc nam tại nhà theo hướng: cây rau – cây thuốc, cây kiểng – cây thuốc…

4. Sở Giáo dục – Đào tạo

Chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện, thị xã phối hợp với Trung tâm Y tế để hướng dẫn cách trồng, sử dụng một số cây thuốc nam sẵn có ở địa phương để phòng và chữa một số bệnh thông thường tại gia đình cho các em học sinh phổ thông; có kế hoạch bồi dưỡng các em thành những tuyên truyền viên cho công tác xã hội hóa việc ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; chỉ đạo mỗi huyện có ít nhất một trường học có vườn thuốc nam mẫu trong sân trường, vừa có tác dụng tạo quang cảnh sạch - đẹp, vừa có tác dụng góp phần vào công tác giáo dục nhân dân cách trồng và sử dụng.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, các tổ chức đoàn thể, các Sở, ban, ngành tích cực tuyên truyền, phổ biến cho các thành viên, các tổ chức chú trọng đến việc trồng (nếu có điều kiện) và sử dụng các cây thuốc nam sẵn có, các phương pháp điều trị không dùng thuốc trong các bệnh và chứng thông thường, giảm thiểu việc lạm dụng quá nhiều vào tân dược khi thật sự chưa cần thiết.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, thị để triển khai thực hiện Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg ngày 03/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo và Kế hoạch phát triển y học cổ truyền trong điều kiện cụ thể của mỗi huyện dựa trên cơ sở bản kế hoạch tổng thể của Ban chỉ đạo tỉnh.

Sau khi thành lập Ban chỉ đạo huyện, thị xong, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo tại địa phương mình. Vì đây là chính sách quốc gia chuyên về y dược học cổ truyền nên Ban chỉ đạo cần được thành lập riêng, không là Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu trong đó có các chương trình y tế trọng điểm như trước đây.

Chỉ đạo Trung tâm y tế phối hợp các phòng, ban, các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường quán triệt và triển khai đầy đủ những nội dung chỉ thị và kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh nhằm thực hiện tốt chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2010, tạo điều kiện thuận lợi để hội Đông Y và hội Châm cứu hoạt động và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân khôi phục phong trào trồng, sử dụng các cây thuốc tại gia đình; ứng dụng các phương pháp đơn giản không dùng thuốc để phòng và chữa một số bệnh thông thường tại cộng đồng; khuyến khích nhân dân trồng “cây thuốc gia truyền” gắn liền với phát triển kinh tế vườn, cải tạo môi trường và xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

7. Giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, chủ trì trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức sơ, tổng kết việc triển khai thực hiện chỉ thị này. Trong mỗi đợt sơ kết và tổng kết, yêu cầu có danh sách những cá nhân, tập thể thực hiện tốt để được đề nghị khen thưởng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc yêu cầu báo cáo ngay về cơ quan thường trực tổng hợp báo về Ủy ban nhân dân tỉnh có hướng chỉ đạo./

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo