Chỉ thị 15/2000/CT-UB Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa
Số hiệu: | 15/2000/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cần Thơ | Người ký: | Nguyễn Phong Quang |
Ngày ban hành: | 28/06/2000 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khoa học, công nghệ, Khiếu nại, tố cáo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 15/2000/CT-UB |
Cần Thơ, ngày 28 tháng 6 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA
Thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả không đạt chất lượng gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng, UBND tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1- Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, các Sở quản lý chuyên ngành tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hóa. Đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, kịp thời uốn nắn những sai sót và ngăn chặn hậu quả gây thiệt hại tài sản Nhà nước, quyền lợi và uy tín quốc gia, quyền lợi và sức khỏe của nhân dân do hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ra. Việc quản lý phải tập trung, thống nhất, phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng quản lý.
2- Giao cho Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa ở địa phương; phối hợp với cơ quan quản lý chất lượng ở các Sở, Ban ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí phục vụ cho việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng các loại hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp về quản lý chất lượng, các hệ thống quản lý chất lượng (GMP, HACCP, ISO 9000, ISO 14000, TQM...), các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng theo quy định của Nhà nước.
3- Sở Thương mại phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý các phạm vi về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quyết định số 96/TTg ngày 18/2/1995 của Thủ tướng Chính phủ.
4- Thanh tra các Sở quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp theo chức năng được phân công, tổ chức thanh tra việc chấp hành Pháp lệnh và các quy định của Nhà nước về chất lượng hàng hóa; xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng hành hóa, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chánh thuộc lĩnh vực ngành phụ trách.
5- Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, TX.Vị Thanh và các huyện phối hợp với các Sở, Ban ngành chỉ đạo các doanh nghiệp có trách nhệm thường xuyên thực hiện nghiêm túc các quy định về chất lượng hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
6- Cơ quan Báo, Đài, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phổ biến các kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng cho các doanh nghiệp và nhân dân biết. Đồng thời, thông tin về các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của nhà nước về chất lượng, các doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Giao Sở khoa học Công nghệ và Môi trường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này ở các ngành, địa phương và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.
|
TM. UBND TỈNH CẦN THƠ |