Chỉ thị 14/CT-UBND về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2014
Số hiệu: | 14/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nam Định | Người ký: | Nguyễn Văn Tuấn |
Ngày ban hành: | 25/06/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Nam Định, ngày 25 tháng 6 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU, CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH NĂM 2014
Những năm vừa qua, nhất là từ sau khi có Luật Đê điều, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác các công trình đê điều, thủy lợi đã dần từng bước đi vào nề nếp, giảm đáng kể số vụ vi phạm pháp luật về đê điều, pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do hệ thống công trình đê điều, thủy lợi phân bố trên diện rộng, trải dài trên khắp các địa phương trong tỉnh, nên tình trạng vi phạm đê điều, công trình thủy lợi vẫn diễn ra phức tạp, tập trung ở những khu vực đông dân cư, thị trấn, thị tứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đê; làm ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường đối với các tuyến kênh, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong nhân dân còn nhiều hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân không cao; sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với cơ quan chuyên môn trong việc xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ; tình trạng buông lỏng công tác quản lý còn xảy ra ở nhiều nơi,..
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đảm bảo an toàn và góp phần phát huy hiệu quả của hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lụt bão, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đê điều, phòng chống lụt bão:
Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/5/2014. Tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; Chỉ thị số 1074/CT-BNN-TCTL ngày 01/4/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt năm 2014; Chỉ thị số 910/CT-BNN-TCTL ngày 14/3/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2014 và Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 06/5/2014 của UBND tỉnh Nam Định về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2014.
Các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh đến cơ sở phải xác định xử lý các vụ vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
2. UBND các huyện, thành phố:
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình đê điều, công trình thủy lợi; vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc chấp hành pháp luật về đê điều và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Thành lập ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cho các thành viên ban chỉ đạo để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các xã, thị trấn, các ngành trong huyện; ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh.
- Tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác quản lý, xử lý vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi; triển khai kế hoạch thực hiện, trước ngày 15/7/2014.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại, lập kế hoạch và tổ chức giải toả các vi phạm tồn tại từ năm 2007 đến nay: Trước hết các vụ vi phạm trên mặt đê, mái đê và trong phạm vi 5m từ chân đê trở ra, các vi phạm làm thu hẹp, cản trở dòng chảy của kênh mương,., thời gian xong trong năm 2014 và tiếp tục xây dựng kế hoạch giải toả các vi phạm còn lại, xong trong năm 2015. Tuyệt đối không để phát sinh trường hợp vi phạm mới mà không được xử lý kịp thời và triệt để.
- Thường xuyên tổ chức phát quang mái đê, kiên quyết xử lý việc rào, chắn, đào, bới mái đê để trồng cây, rau màu,..
- Tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát các trường hợp: Giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi và xử lý theo đúng quy định của pháp luật; Xử lý, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức và cá nhân có các hoạt động, xây dựng công trình có vi phạm liên quan đến an toàn của đê điều và công trình thủy lợi, thoát lũ của lòng sông.
- Tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng xe trên các tuyến đê, nhất là các tuyến đã được bê tông mặt đê; xây dựng các barie trên các tuyến đê để giới hạn kích thước và tải trọng xe đi trên đê theo quy định.
- Lập kế hoạch thanh tra hàng năm và thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi; xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan có vi phạm hoặc đùn đẩy, né tránh, không tích cực thực hiện; xử lý các vụ việc vi phạm; giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đê điều và công trình thủy lợi trong phạm vi địa phương theo đúng quy định của pháp luật.
3. Sở Nông nghiệp & PTNT:
- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và chỉ đạo thực hiện việc quản lý, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình đê điều, công trình thủy lợi, xây dựng kế hoạch cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi, trước mắt tập trung cắm đủ mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình tại những nơi khu vực dân cư đông đúc.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình cho cộng đồng. Chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều & PCLB, Chi cục Thủy lợi của Sở phối hợp với phòng chuyên môn của các huyện, thành phố và các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tham mưu cho Ban chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê, tổng hợp, phân loại, lập kế hoạch, phương án xử lý giải tỏa vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, các cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng không có phép hoặc sai phép tại các bãi sông, theo đúng quy định.
- Kiểm tra các hoạt động có liên quan đến đê điều và đảm bảo thoát lũ của các tuyến sông theo thẩm quyền; phối hợp chính quyền địa phương xử lý thu hồi giấy phép đối với các trường hợp hoạt động không đúng với các nội dung cho phép của cấp có thẩm quyền.
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm về đê điều, hành lang thoát lũ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
- Phối hợp với Thanh tra tỉnh trong việc thanh tra công tác quản lý đê điều và PCLB theo kế hoạch được duyệt hàng năm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành.
4. Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tư pháp, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đê điều, pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi,… trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biểu dương, khích lệ những gương tiêu biểu đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý và xử lý vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi.
5. Thanh tra tỉnh:
Chủ trì phối hợp với ngành Nông nghiệp & PTNT xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, bảo vệ công trình thủy lợi hàng năm tại UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan. Làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý đối với cán bộ chuyên môn và người đứng đầu chính quyền các địa phương để phát sinh nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều và bảo vệ công trình thủy lợi và xảy ra những vụ việc nghiêm trọng không xử lý kịp thời và dứt điểm.
6. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND các huyện, thành phố Nam Định kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý đê chuyên trách, chính quyền địa phương, thanh tra chuyên ngành trong việc kiểm tra và xử lý triệt để các phương tiện quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đê.
- Đối với những vi phạm nghiêm trọng: Sau khi đã dùng các biện pháp tuyên truyền giáo dục, quyết định cưỡng chế, xử phạt hành chính mà vẫn cố tình vi phạm thì lập hồ sơ đưa ra truy tố trước pháp luật.
7. Yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị hàng năm sơ kết khen thưởng, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và xử lý vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi, đồng thời xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân trực tiếp vi phạm hoặc dung túng, né tránh, đùn đẩy, không ngăn chặn và xử lý kiên quyết những vụ việc vi phạm.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 1074/CT-BNN-TCTL tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt năm 2014 Ban hành: 01/04/2014 | Cập nhật: 03/04/2014
Chỉ thị 910/CT-BNN-TCTL tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2014 Ban hành: 14/03/2014 | Cập nhật: 15/03/2014
Chỉ thị 447/CT-TTg tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều Ban hành: 25/03/2011 | Cập nhật: 21/05/2011