Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2013 về tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện
Số hiệu: 14/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Trần Minh Kỳ
Ngày ban hành: 23/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 08 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN

Hà Tĩnh có 516,4Km đường dây truyền tải điện, 2.641,5Km đường dây phân phối điện, 2.208 trạm điện các loại (trong đó có 01 trạm phân phối 500kV) và hơn 7.074Km đường dây hạ thế, Trong thời gian qua, ngành điện, các địa phương và các tổ chức quản lý điện nông thôn đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp nên lưới điện Hà Tĩnh ngày càng được củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các đơn vị quản lý công trình Iưới điện, các địa phương đã cố nhiều cố gắng trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, các công trình điện, hạn chế sự cố về lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng,

Tuy vậy, tình hình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện còn nhiều. Riêng lưới điện cao thế, toàn tỉnh có 153 điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn, trong đó có 89 điểm vi phạm nghiêm trọng. Nhiều điểm vi phạm chưa được xử lý hoặc xử lý không dứt điểm, kéo dài và tiếp tục gây sự cố lưới điện ảnh hưởng đến việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn cũng như trên phạm vi cả nước.

Việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện xảy ra chủ yếu do người dân xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng cây trong và gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; việc xây dựng, nâng cấp các công trình công cộng, công trình giao thông; khai thác khoáng sản v.v.

Nguyên nhân vi phạm chủ yếu là do công tác quy hoạch xây dựng, cấp đất, giao đất của chính quyền một số địa phương thiếu chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực và các quy định về điện còn hạn chế; ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao; các đơn vị quản lý công trình lưới điện, kiểm tra lưới điện thiếu thường xuyên, phát hiện vụ việc chậm, phối hợp giải quyết chưa tốt; mối quan hệ trong chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền các địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Trước tình hình đó, để đảm bảo công trình lưới điện vận hành an toàn, hạn chế mức thấp nhất xảy ra sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, từng bước xử lý dứt điểm các điểm vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện trên địa bàn, đồng thời không để phát sinh vi phạm mới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị quản lý, vận hành công trình lưới điện triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Các đơn vị quản lý công trình lưới trình điện:

- Chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp truớc mắt để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn; phân loại mức độ vi phạm và các điểm vi phạm cần xử lý ngay, đặc biệt đối với những vị trí có nguy cơ gây mất điện trong mùa mưa bão sắp tới. cần có lộ trình, kế hoạch xử lý cụ thể và phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện kịp thời.

- Thường xuyên kiểm tra lưới điện, phát hiện kịp thời các điểm vi phạm có nguy cơ dẫn đến mất an toàn cho lưới điện trong quá trình vận hành. Khi phát hiện, phải có biện pháp xử lý kịp thời về mặt kỹ thuật không để xảy ra sự cố; đồng thời thông báo với chính quyền địa phương nơi vi phạm để phối hợp xử lý.

- Tham mưu, hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn điện, bảo vệ an toàn công trình lưới điện với các hình thức phong phú, đa dạng, dễ hiểu, thiết thực.

2. UBND huyện, thành phố,  thị xã:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vi quản lý công trình lưới điện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn điện (Luật Điện lực; Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tíết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ; Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) quy định kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn... đến tận người dân (các địa phương tổ chức lớp học, các đơn vị quản lý công trình lưới điện chịu trách nhiệm về nội dung tuyên truyền, tài liệu, lên lớp hướng dẫn...),

- Chử trì, phối hợp với các đơn vị quản lý công trình lưới điện kiểm tra, rà soát lại các điểm vi phạm (kể cả lưới điện hạ áp) đang tồn tại trên địa bàn; xác định cụ thể nguyên nhân, phân loại mức độ vi phạm, thống nhất phương án xử lý và tiến hành xử lý theo các quy định của pháp luật; hàng tháng báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương về nội dung công việc đã tiến hành và kết quả thực hiện.

3. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các ngành, địa phương kiểm tra rà soát các Quy hoạch trên địa bàn (quy hoạch của các địa phương, quy hoạch ngành) với các công trình, lưới điện hiện hữu và Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020; đề xuất giải pháp xử lý những bất hợp lý, chồng chéo giữa các quy hoạch.

4. Sở Tài nguyên - Môi trường: Hướng dẫn các địa phương việc cấp đất, giao đất và sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện; kiểm tra, xử lý việc cấp đất, giao đất, sử dụng đất có gây ảnh hưởng đến an toàn các công trình lưới điện trên địa bàn.

5. Sở Giao thông Vận tải: Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị tư vấn thiết kế, các nhà thầu thi công công trình thực hiện tốt các quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện trong quá trình thiết kế và thi công.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã: Phối hợp với các đơn vị quản lý công trình lưới điện tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện.

7. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị quản lý công trình lưới điện, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, bảo vệ an toàn các công trình lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh.

8. Sở Công Thương:

- Hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi côg tác đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện trên địa bàn phù hợp với quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt, đồng thời phải đảm bảo các quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện và không ảnh hưởng đến quy hoạch khác,

- Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị; nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý những điểm vi phạm nghiêm trọng, kéo dài; tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh.

9. Đề nghị UBMT Tổ quốc tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các cấp và các đơn vị quản lý điện vận động nhân dân triển khai thực hiện tốt các nội dung nêu trên, bảo vệ an toàn công trình lưới điện.

Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các đơn vị quản lý công trình lưới điện trên địa bàn chịu trách nhiệm tổ chức, phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ỦY, TTr HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH Hà Tĩnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- UBND huyện, thành phố, thị xã
- Các đơn vị quản lý công trình lưới điện;
- Chánh, PVP. UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, TM;
- Gửi: VB giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH

PHÓ
CHỦ TỊCH





Trần Minh Kỳ