Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2017 về biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài
Số hiệu: | 14/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Thuận | Người ký: | Nguyễn Ngọc Hai |
Ngày ban hành: | 24/08/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, điều ước quốc tế, Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Bình Thuận, ngày 24 tháng 8 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU VÀ CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG TÀU CÁ, NGƯ DÂN TRONG TỈNH VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI
Từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân Bình Thuận xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép, bị các nước trong khu vực bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản ngày càng tăng và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới. Một số vụ việc nghiêm trọng đã gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và đời sống của ngư dân, điển hình như vụ 09 tàu cá của thị xã La Gi bị Indonesia bắt giữ, tịch thu toàn bộ tài sản vào cùng ngày 24/7/2016, trong đó có tàu cá được đầu tư đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó, các giải pháp để giải quyết các vấn đề còn thiếu bền vững, các chế độ, chính sách đối với lĩnh vực thủy sản vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; công tác xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ và chưa nghiêm khắc, biện pháp chế tài chưa đủ tính răn đe; chính quyền các địa phương vẫn chưa quyết liệt để xử lý triệt để tình trạng trên.
Trong thời gian tới, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước tăng cường tuần tra bắt giữ tàu thuyền vi phạm để khẳng định chủ quyền. Bên cạnh đó, áp lực về nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng, cường lực khai thác không ngừng gia tăng gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của ngư dân.
Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cơ quan, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương ven biển tập trung giải quyết một số việc cấp bách sau đây:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển
- Tổ chức các đợt sinh hoạt theo từng thôn, khu phố có tàu cá vi phạm; lập danh sách quản lý chặt chẽ tàu cá, ngư dân vi phạm; tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài trước cộng đồng địa phương. Tiếp tục buộc chủ tàu, thuyền trưởng viết cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo đến UBND cấp xã thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp móc nối, môi giới đưa tàu đi hoạt động trái phép ở vùng biển nước ngoài, có biện pháp xử lý đối với cán bộ chính quyền cấp xã thiếu tinh thần trách nhiệm để ngư dân địa phương mình vi phạm vùng biển các nước để khai thác, thu mua hải sản trái phép. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước đánh bắt trái phép vẫn tiếp tục xảy ra.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thông báo tình hình tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tiếp nhận và có biện pháp quản lý đối với số ngư dân được thả về; khen thưởng kịp thời các ngư dân có hành động yêu nước, bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển hoặc có hành động dũng cảm cứu người, tài sản gặp rủi ro trên biển.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tổ chức tốt mô hình Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển đạt hiệu quả nhằm hỗ trợ nhau trong hoạt động khai thác hải sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ tài sản và tính mạng của ngư dân trên biển; giữ gìn an ninh trật tự, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ Quốc; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động từ khi xuất bến, ra ngư trường khai thác hải sản đến khi nhập bến, chú trọng tàu cá khai thác hải sản xa bờ; lập danh sách quản lý tàu cá và ngư dân vi phạm, kịp thời xác minh làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo pháp luật để bảo đảm tính răn đe.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về Luật Biển Việt Nam, các văn bản pháp luật của Việt Nam và của quốc tế liên quan đến biển và các hoạt động kinh tế biển; thông qua Hội Nghề cá, mặt trận và các đoàn thể quần chúng vận động bà con ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật và cam kết không vi phạm vùng biển các nước đánh bắt, thu mua trái phép. Phối hợp với Sở Tài chính triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân an tâm bám biển.
- Quản lý, theo dõi chặt chẽ các hoạt động nghề cá trên biển, tổ chức tốt hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu cá và Trạm bờ nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các thông tin và sự cố trên biển. Áp dụng hình thức xử lý:
+ Thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ thuyền, máy trưởng và tạm dừng chuyển quyền sở hữu trong vòng 06 tháng đối với tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ thả về.
+ Không cấp Giấy phép khai thác thủy sản, không cho đăng ký mới đối với chủ tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
+ Không giải quyết hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với chủ tàu cá đã bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Không cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đăng ký hoặc đưa ra khỏi danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và không giải quyết các chính sách hỗ trợ khác theo Nghị định này.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân tại Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
4. Công an tỉnh: Tăng cường nắm chắc tình hình, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng móc nối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác, thu mua hải sản ở vùng biển nước ngoài; hoặc tổ chức chuộc tàu và ngư dân về trái phép, ngăn chặn các đối tượng môi giới lợi dụng, can thiệp vào công tác bảo hộ công dân ta ở nước ngoài.
5. Tổ công tác 689 của tỉnh: Tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề liên quan đến tàu cá, ngư dân Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ (Tổ công tác 689) thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo các Bộ, ngành liên quan để chủ động và kịp thời trao đổi, làm việc với phía nước ngoài giải quyết tốt các vụ việc trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của ngư dân, giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tổ công tác 689 của tỉnh có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và định kỳ (06 tháng) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản Ban hành: 07/07/2014 | Cập nhật: 10/07/2014