Chỉ thị 14/CT-UBND năm 1983 hướng dẫn thực hiện quỹ bảo trợ nhà trường do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 14/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Đình Nhơn
Ngày ban hành: 12/04/1983 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 14/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 04 năm 1983

 

CHỈ THỊ

HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN QUỸ BẢO TRỢ NHÀ TRƯỜNG

Từ sau ngày thành phố giải phóng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp giáo dục ở thành phố không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân thành phố: nhứt là đối với con em nhân dân lao động các huyện ngoại thành và vùng ven nội đông dân mà trước đây dưới chế độ cũ phải chịu thiệt thòi nhiều mặt.

Tuy hoàn cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, nhưng được sự đồng tình và tích cực hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân thành phố, mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng. Để sự nghiệp giáo dục được tiếp tục phát triển vững chắc, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động toàn dân góp phần chăm lo cho nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ, ngày 14-01-1981 Hội đồng Chánh phủ đã ra quyết định số 15/CP cho phép ngành giáo dục trong cả nước được thành lập quỹ bảo trợ nhà trường ở các cơ sở trường học. Ngày 19-05-1982 Bộ Giáo dục đã ra thông tư số 10/TT hướng dẫn cho các địa phương thực hiện bắt đầu từ năm học 1982-1983.

Về ý nghĩa thực tiễn, quỹ bảo trợ nhà trường là nguồn thu ngoài ngân sách, nguồn vốn này không thay thế cho ngân sách phường xã và Ngân sách Nhà nước chi cho công tác giáo dục theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.

Quỹ bảo trợ nhà trường bao gồm các nguồn thu sau đây :

- Huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh là những người có con em đi học.

- Sự ủng hộ của nhà hảo tâm muốn góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục, góp phần chăm lo việc giáo dục thế hệ trẻ.

- Vận động trích một phần quỹ phúc lợi tập thể của các cơ sở sản xuất kinh doanh Nhà nước, công tư hợp doanh, hợp tác xã và các đoàn thể xã hội… giúp đỡ các trường học.

- Thành quả lao động sản xuất của thầy và trò tạo ra.

Tất cả các nguồn đóng góp nói trên đều dựa trên cơ sở vận động, xuất phát từ trách nhiệm và lòng tự nguyện đối với sự nghiệp giáo dục. Các cấp chính quyền, đoàn thể và Hội đồng giáo dục từ thành phố đến quận huyện, phường xã cần có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ, giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thông suốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, hiểu rõ mục đích ý nghĩa của việc thành lập quỹ bảo trộ nhà trường, cảnh giác và đập tan những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của kẻ địch và những phần tử xấu, thực hiện tốt cuộc vận động lập quỹ bảo trợ nhà trường và góp phần tham gia giám sát, quản lý sử dụng cho có hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Với ý nghĩa nói trên, căn cứ vào đề nghị của Sở giáo dục và Hội đồng giáo dục thành phố, được sự đồng ý của Hội đồng Nhân dân thành phố, Thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố cho phép ngành giáo dục triển khai lập quỹ bảo trợ nhà trường với nội dung cụ thể như sau :

1. Về mục đích sử dụng quỹ bảo trợ nhà trường :

Là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, quỹ bảo trợ nhà trường nhằm mục đích sử dụng phục vụ kịp thời cho các hoạt động thiết thực của trường học. Cụ thể như sau :

- Góp phần vào việc sửa chữa nhỏ, trang trí lớp học, rào dậu trường sở (ngoài quy hoạch kiến thiết xây dựng cơ bản), mua sắm thêm đồ dùng dạy học, giấy bút sách tham khảo cho giáo viên, sổ sách cho nhà trường…

- Góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt ăn, ở, làm việc của tập thể giáo viên, kịp thời giúp đỡ các giáo viên đau yếu, gia đình quá khó khăn…

- Góp phần hỗ trợ thêm cho công tác khen thưởng, khuyến khích thầy dạy giỏi, trò học giỏi, ngoài kinh phí định mức có hạn của Nhà nước.

2. Về nguồn thu và mức thu :

a) Để việc vận động sự đóng góp của cha mẹ học sinh được dễ dàng và hợp lý, tạm thời định mức đóng góp cho từng cấp học như sau :

- Cháu gởi nhà trẻ    :2đ/tháng

- Học sinh mẫu giáo  :3đ/tháng

- Học sinh cấp 1        :4đ/tháng

- Học sinh cấp 2        :5đ/tháng

- Học sinh cấp 3        :6đ/tháng

- Đối tượng miễn giảm :

+ Được miễn đóng góp :

- Con liệt sĩ

- Con giáo viên, cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục.

- Gia đình có đông con đi học (cán bộ hoặc nhân dân) từ con thứ 3 trở đi miễn đóng góp.

- Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đang được ngành thương binh xã hội trợ giá thường xuyên.

+ Được giảm 50% :

- Con thương binh

- Con cán bộ, công nhân viên và chiến sĩ quân đội có cả cha và mẹ ăn lương trong biên chế Nhá nước (kể cả người hưu trí).

b) Đối với các nguồn thu khác (như vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, trích phúc lợi tập thể của các cơ sở sản xuất kinh doanh…).

- Đối với các nhà hảo tâm muốn đóng góp giúp đỡ các trường học, thì tuỳ theo khả năng ủng hộ của từng người.

- Đối với các xí nghiệp : nhà máy, công ty, cửa hàng… mức đóng góp trích từ quỹ phúc lợi tập thể do Đại hội công nhân viên chức của từng đơn vị quyết định.

- Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh tập thể, hợp tác xã… mức đóng góp trích từ quỹ phúc lợi tập thể do Đại hội xã viên quyết định.

Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện chỉ đạo chặt chẽ với các ban ngành, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể để đảm bảo cho các trường ở địa phương đều được hỗ trợ của nguồn huy động đóng góp này, tránh tình trạng chỉ tập trung lo cho một số ít trường.

3. Về cách thu:

- Để tiện cho sự đóng góp của cha mẹ học sinh, các trường học cần thống nhất thực hiện chế độ thu hàng tháng (từ ngày 1 đến ngày 10 của tháng). Mỗi năm chỉ thu 9 tháng. Biên lai thu quỹ bảo trợ nhà trường do Sở Giáo dục ấn hành thống nhất. Khi thu các trường phải cấp biên lai cho cha mẹ học sinh.

Đối với các trường hợp riêng lẽ do gia đình học sinh đề nghị nhà trường có thể chấp thuận việc thu theo từng học kỳ hoặc cả năm học một lần, nhưng nhất thiết không vận động, không khuyến khích và phải cấp biên lai đầy đủ.

- Đối với sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa váo sự vận động của Hội đồng giáo dục quận huyện, phường xã và các đoàn thể nhân dân, mỗi năm học chỉ huy động đóng góp một lần (bằng tiền; sản phẩm hoặc vật tư, nguyên liệu mà nhà trường có thể thể sử dụng được). Khoản đóng góp này phải có sự chứng kiến, giám sát của Hội đồng giáo dục địa phương và Hội cha mẹ học sinh của trường khi tiếp nhận cũng như việc bảo quản sử dụng hợp lý phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục.

4. Về quản lý thu chi:

Nhà trường là đơn vị quản lý thu chi quỹ bảo trợ nhà trường. Việc quản lý thu chi phải được thực hiện chặt chẽ, chấp hành đúng các thủ tục quy định của Bộ Giáo dục. Các khoản chi tiêu phải rõ ràng, có chúng từ sổ sách, đúng chế độ, đúng mục đích, minh bạch, dân chủ và đạt hiệu quả thiết thực.

Ngành giáo dục phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho sự giám sát và giúp đỡ của Hội đổng giáo dục, Ban Tài chánh giá cả, Ngân hàng quận huyện và Hội cha mẹ học sinh các trường.

Các trường học phải báo cáo tài chánh công khai về việc thu chi quỹ bảo trợ nhà trường với Hội đồng nhân dân và Hội cha mẹ học sinh địa phương vào cuối mỗi học kỳ và cuối năm học.

Sở Giáo dục có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn chu đáo các thủ tục, nguyên tắc quản lý thu chi, thực hiện đầy đủ các hồ sơ sổ sách theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và của ngành Tài chánh, đồng thời có kế hoạch thường xuyên kiểm tra để phát hiện, uốn nắn kịp thời các lệch lạc, đảm bảo cho việc sử dụng quỹ bảo trợ nhà trường đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, gây được sự tín nhiệm đối với cha mẹ học sinh và nhân dân thành phố.

5. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện:

Để thực hiện tốt chủ trương quan trọng này, Uỷ ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cấp chính quyền, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và Hội đồng giáo dục các địa phương phải đặc biệt coi trọng công tác giáo dục,vận động, công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, không nên giao khoán trách nhiệm cho các cấp quản lý của ngành giáo dục, cụ thể là :

- Uỷ ban Nhân dân quận huyện, phường xã cần báo cáo thông qua Hội đồng Nhân dân cùng cấp, dựa vào Hội đồng giáo dục, Mặt trận và các đoàn thể của địa phương để tuyên truyền, vận động trong cha mẹ học sinh và các tầng lớp nhân dân, trong cán bộ, công nhân, xã viên các cơ sở sản xuất, làm cho mọi người thông suốt nhứt trí và tích cực góp phần vào việc xây dựng quỹ bảo trợ nhà trường.

- Ngành giáo dục từ thành phố đến các cơ sở trường học phải có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ, dựa vào các ban ngành, đoàn thể và Hội cha mẹ học sinh để thực hiện đầy đủ các thủ tục, nguyên tắc quản lý thu chi, sử dụng quỹ bảo trợ nhà trường đúng yêu cầu, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học, thiết thực đem lại niềm tin cho cha mẹ học sinh và nhân dân. Đặc biệt chú ý khi có quỹ bảo trợ nhà trường thì từ nay cấm mọi hình thức quyên góp trong học sinh dưới bất cứ hình thức nào.

- Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình thành phố có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến chủ trương thành lập quỹ bảo trợ nhà trường sâu rộng trong cán bộ và nhân dân, tạo nên công luận đồng tình, ủng hộ của các ngành, các giới và toàn dân đối với trách nhiệm tham gia xây dựng và quản lý sự nghiệp giáo dục thành phố.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các cấp, các ban ngành, đoàn thể hữu quan nghiên cứu nắm vững chủ trương và có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để triển khai thực hiện có kết quả tốt.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.