Chỉ thị 14/2012/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp
Số hiệu: 14/2012/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Trần Ngọc Thới
Ngày ban hành: 17/07/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2012/CT-UBND

Vũng Tàu, ngày 17 tháng 7 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP

Lưới điện cao áp là công trình kỹ thuật hạ tầng quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cả nước nói chung và địa phương nói riêng; để đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp theo đúng quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (sau đây gọi tắt là Nghị định 106/2005/NĐ-CP), Nghị định 81/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP. Công trình lưới điện cao áp bao gồm lưới điện cao áp và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, Truyền tải điện Miền Đông 1, Chi nhánh điện Cao thế Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây gọi là các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp) và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ, giải tỏa các hộ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Tuy nhiên đến nay, do ý thức của một số đơn vị và người dân chưa cao; sự phối hợp kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương, các ngành chức năng và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp chưa đồng bộ, kịp thời và thiếu kiên quyết nên vẫn còn một số công trình, nhà ở vi phạm hành lang bảo vệ công trình điện cao áp như: cây cối, cột ăng ten ti vi, lều, quán tạm, tình trạng trẻ em thả diều ở khu vực có đường dây cao áp, gây sự cố và mất an toàn đối với tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như việc vận hành lưới điện. Song song đó là tình hình tai nạn điện ngày càng tăng cao do các đơn vị thi công kéo cáp viễn thông, xây dựng, cơi nới nhà cửa bên dưới hành lang an toàn cao áp nhưng chưa được qua lớp tập huấn cấp thẻ an toàn điện và không đăng ký lịch cắt điện tại địa phương nhằm đảm bảo an toàn trong khi thi công các công trình viễn thông, hạ tầng kỹ thuật khác dưới hành lang lưới điện cao áp.

Để thực hiện tốt quy định của Pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp thực hiện các công việc sau đây:

1. Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp có trách nhiệm:

a) Thường xuyên kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý để phát hiện kịp thời các vi phạm. Khi phát hiện, phải yêu cầu đối tượng dừng ngay các hành vi vi phạm và báo cáo, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm Pháp luật trong lĩnh vực điện lực và chuyển hồ sơ vi phạm đến các cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định.

b) Kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng lưới điện cao áp đúng thời hạn quy định; không vận hành quá tải, mất an toàn đối với lưới điện cao áp vượt qua nhà ở, công trình.

c) Thống kê, theo dõi các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương, cơ quan cấp trên theo quy định.

d) Củng cố, hoàn chỉnh hồ sơ hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thuộc trách nhiệm quản lý vận hành của đơn vị, làm căn cứ xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

đ) Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật đối với các công trình nhà ở đủ điều kiện tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

e) Tăng cường công tác tuyên truyền văn bản Pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp cho cán bộ, công nhân viên thuộc đơn vị của mình và nhân dân biết, thực hiện. Chuẩn bị nội dung thích hợp và phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu...) thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

g) Kiểm tra kỹ tình hình thực tế trước khi cấp điện, thỏa thuận thiết kế. Kiên quyết xử lý triệt để các tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện cao áp trước khi đóng điện đối với công trình xây dựng mới hoặc cải tạo.

h) Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm.

i) Khi đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo lưới điện cao áp, ngành điện (hoặc chủ đầu tư) phải có văn bản thỏa thuận hướng tuyến, mốc tuyến của lưới điện cao áp đi qua với cơ quan địa phương.

k) Hướng dẫn các đơn vị viễn thông, truyền hình cáp các biện pháp an toàn dưới hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp khi các đơn vị này liên hệ đăng ký làm việc với điện lực địa phương.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

a) Có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp quản lý tốt hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại địa phương.

b) Phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp kiểm tra toàn bộ các công trình, nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ công trình điện cao áp trên địa bàn; kiên quyết di dời ngay các công trình, nhà ở không đảm bảo điều kiện tồn tại. Việc di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo quy định của Pháp luật hiện hành.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các bộ phận chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn kiểm tra điều kiện an toàn về hành lang lưới điện trước khi cấp phép xây dựng, tránh trường hợp đầu tư xây dựng chồng chéo giữa các ngành.

d) Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình nằm trong hành lang lưới điện cao áp phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thỏa thuận bằng văn bản với các đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp an toàn đường dây dân điện cao áp và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở công trình này theo khoản 2, Điều 51 Luật Điện lực.

đ) Chỉ đạo các đơn vị quản lý cây xanh thường xuyên kiểm tra và phối hợp với điện lực địa phương chặt tỉa cây xanh có khả năng ngã đổ vào lưới điện cao áp.

e) Quán triệt Luật Điện lực, Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005, Nghị định 81/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2009 và Nghị định 68/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm Pháp luật trong lĩnh vực điện lực đến các cấp chính quyền cơ sở; các bộ phận, đơn vị chức năng liên quan tại địa phương; phổ biến tuyên truyền đến nhân dân; nâng cao ý thức chấp hành Pháp luật về an toàn hành lang lưới điện cao áp.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chỉ đạo các đơn vị viễn thông, truyền hình cáp khi tiến hành trồng trụ để kéo dây thông tin cáp đồng, cáp quang và cáp thuê bao... dưới hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải có biện pháp thỏa thuận với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp tại địa phương trước khi thi công công trình, để được hướng dẫn các biện pháp an toàn điện khi làm việc.

b) Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị viễn thông, truyền hình cáp khi thi công dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp phải đảm bảo an toàn điện theo quy định hiện hành.

c) Chỉ đạo các đơn vị viễn thông khi thi công công trình dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp phải được cấp thẻ an toàn điện.

4. Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

a) Chỉ đạo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với các đơn vị cơ sở hoạt động kinh doanh trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (đặc biệt là các cơ sở kinh doanh xăng dầu) phải tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành về khoảng cách an toàn của các công trình xây dựng phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, cơ sở đến các công trình lưới điện cao áp theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP và Nghị định 81/2009/NĐ-CP .

b) Chỉ đạo công an các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp tăng cường kiểm tra các công trình lưới điện cao áp, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo Pháp luật các hành vi trộm cắp tài sản công trình lưới điện, đồng thời buộc đối tượng phạm pháp khắc phục hậu quả do hành vi trộm cắp gây ra.

5. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Công thương, ngành điện thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; tuyên truyền việc bảo vệ hành lang an toàn cao áp thông qua các buổi phát sóng của chương trình truyền hình.

b) Kịp thời thông tin các điển hình thực hiện tốt cũng như các vụ việc vi phạm để nâng cao trách nhiệm bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.

6. Các ngành chức năng liên quan:

a) Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định hành lang bảo vệ an toàn đối với lưới điện cao áp trong công tác qui hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế, thẩm định và cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh.

b) Sở Xây dựng phối hợp với Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện trong phạm vi cấp phép của Sở Xây dựng.

7. Sở Công thương:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ lưới điện cao áp.

b) Có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn điện hằng năm đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua buổi tuyên truyền an toàn điện hàng năm tại địa phương.

c) Kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình triển khai, thực hiện Chỉ thị này đối với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh đề xem xét, chỉ đạo.

8. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

9. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị 26/2008/CT-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2008 về việc tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp./.

 

 

TM.Y BAN NHÂN DÂN
KT. CH TỊCH
PHÓ CH TỊCH




Trần Ngọc Thới