Chỉ thị 14/2011/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ trên địa bàn tỉnh An Giang
Số hiệu: 14/2011/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Vương Bình Thạnh
Ngày ban hành: 02/11/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Y tế - dược, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2011/CT-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 11 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Trong thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 06 siêu thị, 01 trung tâm thương mại và 278 chợ; trong đó có 06 chợ hạng II, 220 chợ hạng III, 21 chợ tạm, chợ tự phát có trong quy hoạch, 01 chợ chuyên kinh doanh bò và 50 điểm họp chợ tự phát, chợ tạm không có quy hoạch.

Nhìn chung, các chợ đều bố trí, sắp xếp các mặt hàng tương đối ngăn nắp, theo từng chủng loại riêng, tuy nhiên cơ sở vật chất nhiều chợ còn hạn chế như nền chợ ẩm thấp, nước thải bị ứ đọng, không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải... Hầu hết các chợ đều có đội thu gom rác, nhưng do công việc thu gom rác bằng thủ công nên với một số lượng lớn rác thải phát sinh hàng ngày, việc dọn sạch, thu gom hết lượng rác thải là rất khó, rác thải nhiều lúc ùn tắc từ ngày này qua ngày khác, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm không những ở khu vực chợ mà ngay cả những khu dân cư gần chợ cũng bị ảnh hưởng rất lớn; thậm chí có một số chợ tự phát chưa thu gom rác thải hàng ngày mà thải bỏ xuống kênh, rạch gần chợ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường thì nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ cũng đáng báo động. Trong các chợ, có các khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm tươi sống chứa đựng nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm do môi trường chung quanh ẩm thấp, chật hẹp, người chế biến không mặc bảo hộ lao động, không có thiết bị che chắn, có nơi còn sử dụng nước chưa đạt tiêu chuẩn để chế biến thực phẩm, kinh doanh các mặt hàng chưa qua kiểm định của cơ quan quản lý.

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, từng bước khắc phục và đi đến giảm dần tình trạng ô nhiễm môi trường; hạn chế việc kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các chợ nhằm xây dựng hệ thống chợ từng bước đạt tiêu chí chợ trật tự - vệ sinh hướng đến tiêu chí chợ văn minh - thương mại, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:

a) Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ;

b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hộ tiểu thương, Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và khai thác chợ;

c) Tổ chức các đợt điều tra, khảo sát nắm thông tin, hiện trạng về tình hình bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Từ đó đề xuất các phương án nhằm bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ có nguy cơ ô nhiễm cao;

d) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu lưu thông trong phạm vi chợ; xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

2. Sở Y tế

a) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh báo các sự cố ngộ độc thực phẩm cho các hộ tiểu thương, cán bộ Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh và khai thác chợ;

b) Tổ chức cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định cho các hộ tiểu thương kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực phẩm có nguy cơ cao trong phạm vi chợ;

c) Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và UBND huyện, thị, thành phố thường xuyên thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh;

d) Hướng dẫn Sở Công Thương các tiêu chí xét chọn chợ đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ xử lý môi trường, các mô hình xử lý chất thải phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng chợ;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xử phạt các hành vi vi phạm hành chính theo quy định;

c) Hướng dẫn Sở Công Thương các tiêu chí xét chọn chợ đạt tiêu chí vệ sinh môi trường.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý các hành vi sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc phạm vi quản lý.

5. Công an tỉnh

a) Phối hợp và hỗ trợ các ngành chức năng điều tra xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng trong phạm vi chợ;

b) Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, lấn chiếm vĩa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán kinh doanh thực phẩm trái quy định, thực phẩm không đảm bảo chất lượng trong phạm vi chợ.

6. Sở Tài chính

a) Đảm bảo kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong dự toán giao hàng năm các ngành theo quy định của Nhà nước và theo phân cấp ngân sách hiện hành;

b) Hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán cho các đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Báo An Giang

Phối hợp với ngành công thương thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, phổ biến các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiên thông tin đại chúng; xây dựng thành chuyên mục định kỳ hàng tháng để tuyên truyền trên hệ thống phát thanh truyền hình, đặc biệt trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục trong năm.

8. UBND huyện, thị xã, thành phố

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hộ tiểu thương, Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và khai thác chợ;

b) Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng, các cơ quan chuyên môn liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát lập danh sách các chợ chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong phạm vi chợ. Kiên quyết không để các hộ tiểu thương kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng buôn bán trong phạm vi chợ;

c) Chỉ đạo Ban công trình công cộng huyện, thị xã, thành phố bố trí nhân lực và phương tiện thường xuyên thu gom và xử lý hết lượng rác thải trong phạm vi chợ, tuyệt đối không để rác thải bị ùn tắc từ ngày này qua ngày khác gây ô nhiễm môi trường trong phạm vi chợ;

d) Thường xuyên nâng cấp, cải tạo các chợ xây dựng lâu năm, cơ cở hạ tầng xuống cấp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, thực hiện đầu tư mới các chợ theo quy định của Bộ Xây dựng về thiết kế chợ;

đ) Khắc phục và giảm dần các chợ chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ thông qua việc bố trí kinh phí, trang thiết bị xử lý rác và nước thải tại các chợ. Sắp xếp, phân khu chức năng trong chợ theo nhóm ngành hàng và không bố trí khu ăn uống gần khu thực phẩm tươi sống;

e) Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa đối với thương nhân và khen thưởng hàng năm đối với cán bộ làm công tác quản lý chợ;

g) Giao Ban Quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và khai thác chợ:

- Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị đinh số 02/2003/NĐ-CP ngày 23/01/2011 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 23/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Quản lý chợ;

- Phối hợp với chính quyền địa phương, các Sở ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hộ tiểu thương kinh doanh trong phạm vi chợ;

- Định kỳ 03 tháng thực hiện khai thông hệ thống cống thoát nước tại chợ, thường xuyên thu gom rác và vệ sinh môi trường trong phạm vi chợ;

- Lập biên bản và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ;

- Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố ô nhiễm môi trường và ngộ độc thực phẩm trong phạm vi chợ.

9. Các hộ tiểu thương kinh doanh trong phạm vi chợ

a) Thực hiện đúng các quy định của Nội quy chợ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên đơn vị quản lý và khai thác chợ, các cơ quan chức năng của Nhà nước đến làm việc, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

10. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm về công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và buôn bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng trong phạm vi chợ; góp phần từng bước xây dựng chợ đạt tiêu chí văn minh - thương mại.

Giao Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị này; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị có liên quan về tình hình thực hiện tinh thần Chỉ thị này; đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Bộ Công Thương;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- TT Công báo tỉnh;
- Lưu VT và các Phòng, Trung tâm.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh