Chỉ thị 14/2009/CT-UBND về tăng cường công tác vận động, quản lý, sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức và Viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đến năm 2015
Số hiệu: | 14/2009/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hòa Bình | Người ký: | Bùi Văn Tỉnh |
Ngày ban hành: | 09/09/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2009/CT-UBND |
Hòa Bình, ngày 9 tháng 9 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC VÀ VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HOÀ BÌNH ĐẾN NĂM 2015
Trong những năm qua, nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng, nhiều công trình đầu tư bằng các nguồn vốn trên đã được đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng các dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài đầu tư vào tỉnh còn ít, giá trị viện trợ của các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn thấp (thấp hơn trung bình cả nước), chưa đáp ứng so với nhu cầu, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2010 và những năm tiếp theo, thu hút hơn nữa nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh cũng như quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn nêu trên. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo đúng tinh thần của Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Tiếp tục quán triệt tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 24/1/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phi chính phủ nước ngoài.
2. Các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố cần chủ động trong việc vận động thu hút nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Phân công cụ thể bộ phận tiếp nhận và quản lý Dự án.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Hàng năm dành một phần kinh phí cho công tác kêu gọi, vận động các Dự án sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
- Bố trí nhân lực để làm đầu mối, chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở liên quan để triển khai, quản lý Dự án.
3. Các cấp chính quyền chỉ đạo sát sao, theo dõi tình hình triển khai hoạt động của các Dự án sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Thường xuyên tuyên truyền các chính sách pháp luật để nhân dân, hiểu rõ mục tiêu và kết quả đạt được từ Dự án.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan:
- Hướng dẫn các cơ chế, chính sách của Nhà nước về công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và đơn giản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức vào hoạt động, triển khai, thực hiện Dự án trên địa bàn.
- Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành có liên quan trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý, thực hiện các chương trình, dự án. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng Sở, ban, ngành, từng đơn vị nhằm đảm bảo việc thực hiện, tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài một cách nhanh chóng, hiệu quả cao.
- Xây dựng kế hoạch vận động thu hút các Dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015.
- Hàng năm lập dự toán kinh phí hoạt động trong công tác vận động, thu hút các Dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn Viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
- Phối hợp với Sở Tài chính để bố trí đầy đủ vốn đối ứng trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm cho các đơn thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ chính thức và Viện trợ phi chính phủ nước ngoài như đã cam kết với Bên tài trợ theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước
5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế tài chính đối với cán bộ tham gia, quản lý các dự án và bố trí vốn đối ứng cho các dự án trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan để tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh về chiến lược thu hút, huy động sử dụng vốn đầu tư ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và Viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ chính thức và Viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
6. Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các Ban quản lý dự án, chủ dự án có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo quý, năm theo Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30-7-2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và báo cáo 6 tháng, cả năm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26-4-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ chính thức và Viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn báo, cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
7. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành và Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |