Chỉ thị 14/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: | 14/2007/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Kạn | Người ký: | Hoàng Ngọc Đường |
Ngày ban hành: | 18/07/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2007/CT-UBND |
Bắc Kạn, ngày 18 tháng 07 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
Hiện nay tình trạng khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái phép tại một số địa phương trong tỉnh có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với các địa phương có khoáng sản vàng, chì, kẽm, sắt (huyện Chợ Đồn, huyện Ngân Sơn, huyện Bạch Thông, huyện Na Rì). Việc này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Để chấn chỉnh hoạt động khoáng sản và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện kiểm tra tình trạng khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái phép, báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh biện pháp giải quyết triệt để các hoạt động khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ động phối hợp với Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Xây dựng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy trình cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành.
Đề xuất với UBND tỉnh thành lập Đoàn công tác liên ngành tổng điều tra hoạt động khoáng sản tại các mỏ và trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép và khai thác không đúng nội dung được cấp phép. Xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu các phương tiện và tang vật khi phát hiện sai phạm.
Đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản không đảm bảo môi trường, xử phạt nghiêm khắc theo quy định của Pháp luật, kể cả đình chỉ hoạt động.
2. Sở Công nghiệp-Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra qui trình, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản đối với tất cả các loại khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) theo đề án được cơ quan nhà nước chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
3. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra qui trình, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo đề án được cơ quan nhà nước chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
4. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh:
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển khoáng sản theo quy định của pháp luật. Riêng đối với khoáng sản chì, kẽm giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định không được vận chuyển quặng chì kẽm thô ra khỏi địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 12/2004/CT-UBND ngày 20/10/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
5. Công an tỉnh:
Phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có hoạt động khoáng sản, phối hợp kiểm tra, giám sát việc vận chuyển quặng trên địa bàn tỉnh theo các quy định hiện hành.
6. UBND các huyện, thị:
Thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản cho nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại địa phương.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại địa phương, phát hiện kịp thời và kiên quyết thực hiện các biện pháp để chấm dứt hoạt động khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn.
Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng:
Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và nội dung Chỉ thị này, kịp thời phản ánh các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản nhằm góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản.
8. Các tổ chức, cá nhân:
Hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo giấy phép được cấp phải tuân thủ Luật khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản ngoài vị trí cấp phép, khai thác không đúng loại khoáng sản được cấp giấy phép và thu gom, vận chuyển khoáng sản, chuyển nhượng giấy phép khai thác trái phép. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào vi phạm thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thu hồi giấy phép khai thác (riêng giấy phép do cấp Bộ cấp thì đề nghị cơ quan cấp Bộ xem xét thu hồi giấy phép).
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các phường, xã, nhân dân các thôn bản và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi tình hình thực hiện Chỉ thị và có trách nhiệm định kỳ 3 tháng báo cáo UBND tỉnh một lần.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |