Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2012 tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm vi phạm về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 13/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Phan Ngọc Thọ
Ngày ban hành: 30/03/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 3 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM VI PHẠM VỀ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, từng bước được chấn chỉnh và góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại nhất định: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khoáng sản vàng, cát, sỏi lòng sông và đất làm vật liệu san lấp; nhiều phương tiện có trọng tải lớn khai thác cát, sỏi gần bờ vào ban đêm; bến bãi tập kết vật liệu trái phép phát sinh sau khi đã giải tỏa; nhiều đơn vị tranh thủ khai thác ngay sau khi được cấp phép mà không hoàn thiện thủ tục theo quy định như lập hồ sơ đất đai chậm, không thực hiện đúng thiết kế khai thác mỏ, đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt, vận chuyển quá tải trọng… làm ảnh hưởng đến môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, hư hại công trình giao thông, mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của một số địa phương thiếu quan tâm, thậm chí một số nơi còn có hiện tượng buông lỏng, chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản; nhiều nơi có tư tưởng trông chờ chỉ đạo của cấp trên; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đồng bộ và kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản chưa sâu rộng trong nhân dân; chưa phát huy hết vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; lực lượng cán bộ quản lý khoáng sản còn thiếu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa nghiêm minh; hình thức xử phạt chưa có tính răn đe, nhiều đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đã bị ngăn chặn xử phạt nhưng vẫn tái phạm.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và thực hiện tốt Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện)

a) Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, thị xã, thành phố (Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND cấp huyện thành lập), Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã):

- Tổ chức kiểm tra, rà soát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ, giải tỏa các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là các khu vực thường xảy ra các vi phạm về khai thác vàng, cát sỏi lòng sông, đất làm vật liệu san lấp; hủy bỏ ngay các văn bản cho phép khai thác khoáng sản, lập bãi tập kết vật liệu không đúng quy định; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trường hợp vượt thẩm quyền xử lý vi phạm thì chuyển vụ việc vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

- Tập trung kiểm tra, xử lý, giải tỏa ngay các bến bãi tập kết vật liệu cát sỏi ven sông không phù hợp quy hoạch; đẩy nhanh việc đấu giá các bãi tập kết vật liệu nằm trong quy hoạch cho các đối tượng có nhu cầu để sớm đưa vào hoạt động.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản cho cán bộ, nhân dân địa phương; quán triệt cho nhân dân nhận thức đúng về mặt pháp luật, thấy rõ hành vi thu tiền để cho các đối tượng vào khai thác khoáng sản trái phép ở địa phương là vi phạm pháp luật.

b) Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện ngay các công việc sau:

- Xây dựng Quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với nhân dân nhằm phát huy vai trò giám sát địa bàn của nhân dân trong việc hỗ trợ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản; nếu người dân phát hiện vi phạm, nhanh chóng cung cấp thông tin cho Chủ tịch UBND cấp xã để kịp thời kiểm tra xử lý; chính quyền địa phương có trách nhiệm thông báo công khai kết quả đã kiểm tra xử lý. Quy chế này phải được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và phải được đa số người dân đồng thuận trước khi tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp danh sách các khu vực mỏ ở gần giáp ranh địa giới hành chính nhiều xã, phường, thị trấn (đặc biệt là khu vực chung lòng sông) thường xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn đó (không phân biệt địa bàn cấp huyện) có trách nhiệm xây dựng Quy chế phối hợp giữa các xã, phường, thị trấn để kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm khai thác khoáng sản trái phép, chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm về thẩm quyền, địa bàn xử lý.

- Đối với những địa bàn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tập trung nhiều phương tiện khai thác vào ban đêm hoặc giáp ranh địa giới hành chính nhiều xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch UBND cấp xã đó phải có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện tại các chốt giám sát 24/24 để kịp thời phát hiện vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, không phân biệt địa giới hành chính giữa các xã, phường, thị trấn hoặc huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã có trách nhiệm phải hỗ trợ cho nhau khi có yêu cầu. Trường hợp cần được hỗ trợ thì Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện hỗ trợ cho cấp xã để giải quyết dứt điểm.

- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản tổ chức họp dân nơi được cấp phép để thông báo đầy đủ nội dung giấy phép để nhân dân biết và giám sát; đồng thời thông báo trên Đài truyền thanh của xã nội dung giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

c) Chỉ đạo Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện cân đối ngân sách hàng năm để mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và UBND cấp xã để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trên địa bàn.

2. Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản

a) Trước khi tiến hành hoạt động khai thác, có trách nhiệm:

- Cung cấp cho UBND cấp xã giấy phép khai thác khoáng sản và hồ sơ kèm theo giấy phép gồm: vị trí khu khai thác, mốc giới hạn khu vực khai thác, danh sách phương tiện khai thác và thông tin về người điều khiển phương tiện khai thác, giám đốc điều hành khu mỏ.

- Tham dự buổi họp dân do UBND cấp xã tổ chức và thông báo hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp cho nhân dân biết để giám sát.

- Hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định.

b) Hoạt động khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật; xuất trình đầy đủ, kịp thời giấy phép khai thác khoáng sản và các loại hồ sơ kèm theo giấy phép khi các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại hiện trường.

c) Khi phát hiện phương tiện khác khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực được cấp phép hoặc gần khu vực được cấp phép thì phải thông báo kịp thời cho Chủ tịch UBND cấp xã để kịp thời kiểm tra xử lý.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu UDND tỉnh tổ chức triển khai Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Tập trung và khẩn trương hoàn thành dự thảo, lấy ý kiến các ngành để trình UBND tỉnh ban hành trước 15/5/2012 các văn bản sau:

- Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với Luật Khoáng sản 2010.

- Quy định về đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Quy định khu vực chứa khoáng sản để đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khu vực không đấu giá, tiến tới thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Quy trình cấp phép khai thác các loại khoáng sản: đất làm vật liệu san lấp, đá làm vật liệu xây dựng thông thường, cát sỏi lòng sông (đã chỉ đạo tại Công văn số 5156/UBND-TN ngày 21/11/2011 của UBND tỉnh).

c) Khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương tiến hành khoanh định các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bàn giao cho Tỉnh quản lý và cấp phép đảm bảo phù hợp với Luật Khoáng sản năm 2010 (đã chỉ đạo tại Công văn số 5156/UBND-TN ngày 21/11/2011 của UBND tỉnh).

d) Đôn đốc, tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra các địa bàn có hoạt động khoáng sản trái phép, qua đó thực hiện vai trò giám sát, nhắc nhở UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản; phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý; trường hợp cần thiết thì tiến hành kiểm tra trách nhiệm đối với UBND cấp huyện, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, UBND cấp xã trong việc thực hiện quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Đối với địa phương đã được nhắc nhở hoặc kiểm tra trách nhiệm mà còn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tái diễn thì Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chủ trì kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong việc để xảy ra vi phạm hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

đ) Định kỳ hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản cho các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và UBND cấp xã.

e) Tổ chức kiểm tra, rà soát công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng như việc thực hiện giấy phép của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản; kiên quyết đề xuất hủy bỏ, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

g) Thường xuyên tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh những biện pháp quản lý, bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai và môi trường.

h) Tăng cường lực lượng cán bộ cho công tác quản lý khoáng sản; củng cố, nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ xin phép thăm dò, khai thác khoáng sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác khoáng sản.

4. Sở Công Thương

a) Nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc góp ý, thẩm định thiết kế cơ sở, dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ, thiết kế mỏ theo quy định; kiên quyết không chấp nhận công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên các dự án đầu tư thiết bị mới, hiện đại nhằm thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện thiết kế mỏ, quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra khoáng sản lưu thông trên thị trường, các cơ sở mua, bán khoáng sản để xử lý các hành vi gian lận thương mại, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, bị cấm xuất khẩu hoặc không đủ điều kiện xuất khẩu theo quy định của Chính phủ.

5. Sở Giao thông Vận tải

a) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan có liên quan để nghiên cứu, triển khai cắm mốc khu vực cấm hoạt động khoáng sản ở sông Hương, sông Bồ.

b) Chỉ đạo Đoạn quản lý đường sông hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để cấp phép việc mở bến bãi hoạt động đường thủy nội địa cho các tổ chức, cá nhân xin mở bến bãi phù hợp với quy hoạch bến bãi và đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật.

c) Chỉ đạo Thanh tra Giao thông đường thủy tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và đình chỉ việc lưu hành đối với các phương tiện không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giao thông đường thủy; phối hợp với cảnh sát đường thủy để xử lý và di chuyển các tàu thuyền ra khỏi các bến bãi vật liệu cát sỏi đã giải tỏa.

d) Làm việc với Cục đường thủy nội địa để quy định và đặt biển báo cấm các phương tiện như: xà lan, tàu thuyền khai thác cát dừng và đỗ trong khu vực từ cầu Tuần đến cầu Chợ Dinh trên sông Hương; cấm các tàu cuốc hoạt động trên sông Hương.

6. Công an tỉnh

a) Tập trung chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát đường thuỷ chủ động phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để ngăn chặn, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường công tác phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, môi trường, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp liên quan hoạt động khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoạt động khoáng sản hoặc các chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, vi phạm quy định về an toàn giao thông.

b) Trên cơ sở công tác phòng ngừa, đấu tranh; kịp thời tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để bọn tội phạm lợi dụng xâm phạm tài nguyên khoáng sản, làm ảnh hưởng ô nhiễm môi trường sinh thái.

c) Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú, đặc biệt đối với các khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự khu vực có khoáng sản.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

a) Chỉ đạo các Đồn Biên phòng trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực biên giới, vành đai biên giới; thông báo kết quả xử lý cho Sở Tài nguyên và Môi trường biết để cùng phối hợp thực hiện.

b) Chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp, hỗ trợ các Đoàn (Tổ) kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện, thị xã và xã, thị trấn biên giới trong thời gian tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại khu biên giới do Đồn biên phòng quản lý.

8. Sở Tài chính

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thu phí, lệ phí đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng phí và lệ phí thu từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

b) Tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kịp thời kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của các địa phương; kinh phí phục vụ cho các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản theo quyết định thành lập của Chủ tịch UBND tỉnh.

9. Cơ quan Thuế

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… đối với các hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn lậu đối với việc nộp kê khai, nộp thuế, phí trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

10. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác khoáng sản vàng, cát sỏi lòng sông trái phép phải nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Ngoài hình thức xử phạt tiền còn phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra…

11. Địa bàn huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn nào còn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm điểm phê bình, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đó.

12. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Thừa Thiên Huế và các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở: thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản và các quy định của tỉnh về quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; tập trung viết bài đưa tin hoặc xây dựng chuyên mục, chuyên đề biểu dương những điển hình tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể xã hội căn cứ các quy định pháp luật về khoáng sản tổ chức giám sát chặt chẽ UBND các cấp, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

14. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ảnh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh kịp thời xử lý./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH PHÓ
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ