Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020-2025
Số hiệu: 13/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Tráng Thị Xuân
Ngày ban hành: 13/11/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:13/CT-UBND

 Sơn La, ngày 13 tháng 11 năm 2020

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TÁI TRỒNG CÂY CÓ CHỨA CHẤT MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Trong những năm qua các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy. Tuy nhiên, đến nay tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra.

Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết triệt để tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ chung

Các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống ma túy, nhận biết được các loại cây có chứa chất ma túy (cây Thuốc phiện, cây cần sa, cây coca), các quy định của pháp luật nghiêm cấm trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; trách nhiệm hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện, xóa bỏ diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; các quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản có liên quan đến phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển thủy sản vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và sản xuất, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025.

- Đẩy nhanh tiến độ rà soát, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Sơn La, xác định những diện tích đất, rừng phòng hộ xung yếu; quy hoạch, đưa diện tích đất rừng bỏ hoang, chưa sử dụng hợp lý trước đây, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế.

2.2. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

2.3. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác trao đổi thông tin, hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong triệt phá các điểm trồng cây có chứa chất ma túy.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an các huyện, thành phố trong công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy.

2.4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để trao đổi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy; tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, kịp thời phát hiện diện tích trồng cây có chứa chất ma túy ở hai bên biên giới để tiến hành triệt phá bảo đảm đúng quy định.

2.5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc nắm chắc tình hình tái trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá các điểm trồng cây có chứa chất ma túy theo quy định.

2.6. UBND các huyện, thành phố

- Tổ chức thuyết phục, vận động, hướng dẫn người dân tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững để không tái trồng cây có chứa chất ma túy. Chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực, tập trung, ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện đầu tư, hỗ trợ cho vùng trọng điểm về trồng và có nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma túy, đặc biệt là hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và sản xuất, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.

- Tăng cường công tác kiểm tra; kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy. Hàng năm tổ chức ký cam kết không tái trồng cây có chứa chất ma túy.

- Rà soát, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng; đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng nghèo kiệt phân bố manh mún nhằm tạo thêm quỹ đất phục vụ phát triển nông nghiệp.

2.7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La và các tổ chức đoàn thể thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của các đoàn viên, hội viên, người dân trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật về phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy; tổ chức giám sát, đánh giá, phản biện xã hội đối với chính sách, đề án, dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

3. Bố trí nguồn kinh phí thực hiện hàng năm

- Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí phục vụ cho công tác tập huấn cho các cán bộ liên quan đến công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy; triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân, phát triển hạ tầng kỹ thuật ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; xây dựng các tài liệu tuyên truyền, phổ biến liên quan đến công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy, công tác triệt phá cây có chứa chất ma túy; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Bố trí từ ngân sách huyện phục vụ cho công tác xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến liên quan đến công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy; triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân, phát triển hạ tầng kỹ thuật ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan gửi báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Tráng Thị Xuân