Chỉ thị 13/2014/CT-UBND tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 13/2014/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Cao
Ngày ban hành: 26/03/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/2014/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 03 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Hòa giải ở cơ sở là hoạt động có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và còn tồn tại một số khó khăn, bất cập, như: Hoạt động của Tổ hòa giải có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa được kiện toàn kịp thời; một số trường hợp việc hòa giải chưa thật sự hiệu quả; kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải của một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế; chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng đối với hòa giải viên chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, khen thưởng thiếu thường xuyên,...

Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức quán triệt, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở cho cán bộ, nhân dân; phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại địa phương; tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên; hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản, làng, cụm dân cư; cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan cho tổ chức, cá nhân có đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng cho tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; định kỳ sáu tháng, hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Sở Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện các văn bản về hòa giải ở cơ sở; xây dựng dự toán kinh phí cho hoạt động hòa giải với nội dung chi và mức chi theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản liên quan của Trung ương, địa phương; thành lập, kiện toàn các Tổ hòa giải và công nhận hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải ở địa phương;

Hướng dẫn các Tổ hòa giải thực hiện thống kê đầy đủ, chính xác các vụ việc hòa giải theo mẫu Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; mẫu, biểu thống kê về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở, làm căn cứ để Nhà nước xây dựng các chính sách liên quan phù hợp, sát thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế;

Thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở để phát huy nhân tố tích cực, nhân rộng cách làm hiệu quả, khắc phục những bất cập, khó khăn, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở; báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Phòng Tư pháp kết quả thực hiện theo định kỳ sáu tháng, hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.

4. Cơ quan Tư pháp nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, hỗ trợ tài liệu cho các Tổ hòa giải ở cơ sở;

Tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở và hòa giải theo quy định của Luật Đất đai trong giải quyết tranh chấp đất đai để tránh sự nhầm lẫn hoặc đồng nhất hai hoạt động hòa giải nêu trên, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của những người liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật; giám sát việc thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; phát huy vai trò của Mặt trận trong việc thường xuyên hướng dẫn bầu hòa giải viên, tổ trưởng Tổ hòa giải, thôi làm hòa giải viên và kiện toàn tổ hòa giải định kỳ hàng năm.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Giao Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp theo yêu cầu.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Vụ PBGDPL-BTP;
- Cục Kiểm tra văn bản - BTP;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, Tp. Huế;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- CVP, các PCVP và CV: TH;
- Lưu: VT, NVTP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao