Chỉ thị 13/2007/CT-UBND về phát động phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác” do Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 13/2007/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Hữu Tín
Ngày ban hành: 30/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/06/2007 Số công báo: Số 38
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2007/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 05 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN HÀNH ĐỘNG “VÌ ĐƯỜNG PHỐ KHÔNG RÁC”

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 02-Ctr/TU ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác” hướng đến xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh và sạch đẹp với các nội dung sau đây:

1. Mục tiêu của phong trào: Nâng cao nhận thức của người dân thành phố trong việc giữ gìn vệ sinh và mỹ quan đô thị; kêu gọi sự chung sức của các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư tham gia làm sạch và giữ gìn vệ sinh đường phố, khu phố nơi sinh sống, công sở; hướng đến xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh và sạch đẹp.

2. Quy mô thực hiện: Phong trào sẽ được triển khai trên địa bàn 24 quận - huyện cho toàn bộ người dân sống và làm việc trên toàn thành phố, lực lượng tuyên truyền viên chính là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, hội viên Hội Cựu chiến binh thành phố trên 24 quận - huyện và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Thời gian thực hiện: Phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác” sẽ được phát động nhân Ngày môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2007 với chương trình đi bộ “Vì đường phố không rác”; tổ chức sơ kết phong trào vào cuối năm 2007 và tổng kết vào Ngày môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2008.

4. Phối hợp tổ chức: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện, các tổ chức đoàn thể như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông - Công chính, Sở Văn hóa và Thông tin, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Công ty Môi trường đô thị, Công ty Dịch vụ Công ích quận - huyện, các Nghiệp đoàn rác dân lập để triển khai chương trình một cách đồng bộ và hiệu quả theo chức năng của từng đơn vị.

5. Giải pháp thực hiện:

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

- Tăng cường giám sát việc giữ gìn vệ sinh đô thị, xử lý nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng đến việc giữ gìn vệ sinh chung.

- Tăng cường lắp đặt thùng rác cho những khu vực trọng điểm.

- Thực hiện thu gom rác đúng giờ, đúng nơi quy định, linh hoạt bố trí thời gian thu gom và đổ rác phù hợp với điều kiện từng khu dân cư.

- Cải tiến trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc thu gom và vận chuyển rác.

- Lồng ghép tiêu chí giữ gìn vệ sinh đường phố, khu phố vào tiêu chí xây dựng khu phố văn hóa ở các quận - huyện.

- Phát động thực hiện phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác” một cách đồng bộ để tăng tính hiệu quả cho chương trình.

6. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phát động thực hiện phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác” một cách đồng bộ để tăng tính hiệu quả cho chương trình.

- Chịu trách nhiệm xây dựng nội dung chương trình phát động, lập kế hoạch tổ chức thực hiện; thành lập và tổ chức ra mắt Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức phong trào.

- Tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết và tổng kết; họp định kỳ với Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức phong trào.

- Xây dựng các chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin; các loại tờ bướm tuyên tuyền và phân phối tài liệu tuyên truyền xuống địa phương.

- Tổ chức lễ phát động phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác” nhân dịp Ngày môi trường thế giới 05 tháng 6.

- Phối hợp với các đơn vị tổ chức chỉ đạo các cấp cơ sở thực hiện; tổ chức các đợt tập huấn, các đoàn kiểm tra liên ngành và hỗ trợ chuyên môn cho địa phương.

- Chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị xây dựng kế hoạch tăng cường lắp đặt thùng rác và thu gom rác cho những khu vực trọng điểm.

b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố: Chỉ đạo và đôn đốc Ủy ban Mặt trận cấp quận - huyện, phường - xã, thị trấn triển khai phong trào; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị khác tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện định kỳ và đột xuất tại các quận - huyện; dự họp định kỳ nhằm góp ý xây dựng, bổ sung và chỉnh sửa chương trình kịp thời với tình hình thực tế.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố:

- Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động cho các cấp cơ sở, các câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”; tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ xuống địa bàn theo tinh thần chung của phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác”; tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và theo dõi tiến trình thực hiện của các cấp cơ sở nhằm hỗ trợ kịp thời khi có yêu cầu.

- Động viên và khuyến khích các cấp cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình triển khai và duy trì thực hiện tại địa phương; tham dự họp định kỳ nhằm góp ý xây dựng, bổ sung và chỉnh sửa chương trình kịp thời với tình hình thực tế; tổ chức tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt của các Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”.

d) Hội Cựu chiến binh thành phố:

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

- Tham dự họp định kỳ nhằm góp ý xây dựng, bổ sung và chỉnh sửa chương trình kịp thời phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình triển khai và duy trì thực hiện tại địa phương.

đ) Sở Giao thông - Công chính: Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông công chính tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh môi trường thành phố; hướng dẫn làm sạch đẹp các công viên, dán áp phích tuyên truyền cho các phương tiện giao thông công cộng.

e) Sở Văn hóa và Thông tin: Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ treo các tấm panô, áp phích tại các khu vực thích hợp.

g) Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo phổ biến phong trào toàn dân hành động “Vì đường phố không rác” xuống các trường học cấp 1, 2, 3 nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung, không ăn uống xả rác trước cổng trường cho học sinh và chỉ đạo dán áp phích tại các trường nói trên.

h) Công an thành phố: Chỉ đạo việc xử phạt nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng đến giữ gìn vệ sinh chung theo Điều 9 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội nhằm tăng tính hiệu quả cho phong trào; phối hợp tham gia các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành.

i) Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

- Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể xây dựng và triển khai kế hoạch hành động “Vì đường phố không rác” phù hợp với đặc điểm của địa phương.

- Xây dựng và đăng ký mô hình điểm; tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào hành động “Vì đường phố không rác”.

- Tăng cường xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến việc giữ gìn vệ sinh chung như: vứt bỏ rác, phóng uế bừa bãi,… theo Điều 9 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ.

- Chỉ đạo các Công ty Dịch vụ công ích và các Nghiệp đoàn rác dân lập phối hợp với địa phương thực hiện việc thu gom rác có hiệu quả, lắp đặt và bổ sung thùng rác trên những khu vực thích hợp.

- Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện theo yêu cầu.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở - ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các quận - huyện chủ động phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động “Vì đường phố không rác”. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm Chỉ thị này; tổng hợp, báo cáo kết quả, những khó khăn vướng mắc định kỳ hoặc đột xuất cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong quá trình triển khai thực hiện./.

  

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 



Nguyễn Hữu Tín