Chỉ thị 13/2006/CT-UBND về tổ chức triển khai Luật Điện lực
Số hiệu: | 13/2006/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Thị Thúy Hòa |
Ngày ban hành: | 03/04/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2006/CT-UBND |
Huế, ngày 03 tháng 4 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI LUẬT ĐIỆN LỰC
Trong những giai đoạn qua, Ngành điện đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; quá trình quy hoạch và đầu tư điện lực đã đi trước một bước thực sự là ngành tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và CNH-HĐH đất nước ngày nay. Cụ thể đã đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện khá đồng bộ từ các cấp điện áp truyền tải quốc gia 500KV-110 KV đến các cấp điện áp phân phối (đường dây 35KV-6KV và trạm) và hệ thống đường dây hạ thế; điện năng cung ứng phục vụ kịp thời và bảo đảm cho các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ...và sinh hoạt. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay cung ứng điện đã góp phần tích cực trong việc tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh trên 9%, trong đó ngành công nghiệp-xây dựng tăng xấp xỉ 16%; có 150 xã, thị trấn, phường có điện lưới Quốc gia đạt tỷ lệ 100%, và trên 96% số hộ có điện sử dụng. Các hoạt động điện lực khác được quan tâm như: củng cố, kiện toàn, xây dựng các tổ chức quản lý điện ở các cấp, nhất là thành lập được 88 tổ chức kinh tế quản lý điện ở nông thôn; đẩy mạnh xây dựng điện nguồn (chủ yếu là thủy điện) để chủ động nguồn năng lượng tại chỗ.
Tuy nhiên, các hoạt động điện lực trên địa bàn tỉnh còn nhiều bấtcập, các mô hình mới chưa đủ mạnh về mọi mặt (đội ngũ, trình độ, tài chính ...); một số hoạt động điện lực bao cấp trước đây lỗi thời, dẫn đến độc quyền, tự kìm hãm phát triển và sẽ khó có thể nâng cao hiệu quả trong cơ chế thị trường, nhất là quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế trong thời gian tới.
Luật Điện lực ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 có ý nghĩa to lớn trong việc: Thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Điện lực, quản lý các hoạt động điện lực và sử dụng điện, khẳng định chủ trương đa dạng hoá các hình thức sở hữu và quản lý khâu phát điện, phân phối điện, bán buôn và bán lẽ điện.... chuyển các hoạt động điện lực sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm sự thống nhất và cụ thể các nội dung quản lý nhà nước đối với các hoạt động điện lực; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Để đạt yêu cầu nêu trên, UBND tỉnh chỉ thị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế ; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị Trung ương trên địa bàn phối hợp triển khai tốt những vấn đề cơ bản sau đây:
1. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai, phổ biến Luật Điện lực trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Sở Công nghiệp phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực cho các đối tượng kinh tế chịu điều tiết Luật Điện lực.
Chủ động phối hợp với các đơn vị hoạt động điện lực cụ thể hóa các nội dung về trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện; quản lý nhu cầu điện; tiết kiệm điện; biểu mẫu hợp đồng mua bán điện; đảm bảo chất lượng điện năng; đo đếm điện; thanh toán tiền điện; quy định về giấy phép hoạt động điện lực; an toàn điện; hỗ trợ các đơn vị điện lực và nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Tổ chức công bố quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 đến 2010 có xét đến 2015.
3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư đầu tư vào các vùng, địa bàn đặc biệt khó khăn. Cụ thể hóa hướng dẫn việc hướng dẫn xây dựng giá bán lẽ điện nông thôn, các chính sách ưu đãi đầu tư công trình điện phục vụ nông thôn, miền núi, hải đảo.
4. UBND các huyện, Thành phố Huế phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp và các Sở Ban ngành liên quan tổ chức triển khai một số nội dung của Luật Điện lực về mua bán điện nông thôn, quy định quản lý giá bán lẽ điện nông thôn, an toàn điện nông thôn, đầu tư phát triển điện nông thôn miền núi …Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện. Hướng dẫn người dân sử dụng điện thực hiện các quy định của pháp luật về mua bán điện, giá điện, quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm.
5. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế có kế hoạch đăng phát một số nội dung quan trọng của Luật Điện lực đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình tuyên truyền phong phú, thiết thực hỏi đáp về Luật Điện lực nhằm đơn giản hóa để mọi người dân sử dụng điện được biết và thực hiện.
6. Các đơn vị Điện lực sản xuất điện, cung ứng điện, Truyền tải điện trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt nội dung Luật Điện lực trong cán bộ công nhân viên chức ngành, tạo sự đồng bộ thống nhất phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định an toàn, thực hiện tốt hợp đồng mua bán điện đã ký kết với khách hàng.
Việc triển khai Luật Điện lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết để tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho phát triển kinh tế chung của tỉnh trong đó Điện là một ngành năng lượng then chốt đi trước một bước. Bởi vậy, quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng của các địa phương trong tỉnh, của ngành điện và các tổ chức kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hóa các nội dung của Luật để các đối tượng trên địa bàn tỉnh biết, nắm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để thực thi trong họat động điện lực và tạo ra thị trường điện lực trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người sử dụng điện, đồng thời góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt kế hoạch năm 2006, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ năm 2006 – 2010 .
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế; các đơn vị sản xuất điện, cung ứng điện, sử dụng điện nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo Sở Công nghiệp tổng hợp trình UBND tỉnh để xem xét giải quyết ./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |