Chỉ thị 13/2006/CT-UBND thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch
Số hiệu: 13/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 10/11/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Hành chính tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2006/CT-UBND

Đà Lạt, ngày 10 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

V/V TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 158/2005/NĐ-CP NGÀY 27/12/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH

Trong những năm qua, những cố gắng của toàn bộ hệ thống tổ chức quản lý và đăng ký hộ tịch tỉnh Lâm Đồng đã được kiện toàn và củng cố, tạo nên bước chuyển biến tích cực của công tác quản lý, đăng ký hộ tịch. Hoạt động quản lý hộ tịch ngày càng đi vào nề nếp và được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm của việc xây dựng nền hành chính phục vụ. Để những quy định trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch. Ngày 27/12/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2006. Đây là Nghị định rất quan trọng, điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định nhân thân, Nghị định mới đã quy định rõ về thẩm quyền, trình tự đăng ký quản lý hộ tịch, việc phân cấp một số lĩnh vực hộ tịch về cơ sở, công khai hóa, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ đăng ký hộ tịch theo tinh thần cải cách hành chính.

Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch (sau đây gọi tắt là Nghị định 158) đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm đăng ký và quản lý hộ tịch một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác mọi sự kiện hộ tịch phát sinh trong đời sống. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan có liên quan triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (gọi chung là cấp huyện), UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), xây dựng hệ thống tổ chức đăng ký và quản lý hộ tịch, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch ở địa phương. Đồng thời tổ chức việc đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các đơn vị có liên quan, các thành viên Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến Giáo dục pháp luật, các đoàn thể quần chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng về những nội dung cơ bản của Nghị ®ịnh 158/2005/NĐ-CP .

- In ấn và tổ chức phát hành các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch, đáp ứng yêu cầu đăng ký hộ tịch ở địa phương theo Quyết định số 01/2006/QĐ-BTP ngày 29/3/2006 của Bộ Tư pháp, quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch; tổng hợp tình hình và số liệu thống kê hộ tịch, báo cáo Bộ Tư pháp và UBND tỉnh theo quy định hiện hành. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch khi được UBND tỉnh giao.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho việc mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, in ấn các biểu mẫu, sổ hộ tịch theo yêu cầu để phục vụ cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch của địa phương, hướng dẫn Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thanh quyết toán kinh phí đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã:

- Tăng cường kiểm tra, phân công, bố trí cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức để thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch của địa phương nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu đăng ký hộ tịch cho nhân dân. Đồng thời xem xét, bố trí nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất phù hợp để phục vụ tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch; thực hiện ghi chép, nộp sổ lưu hộ tịch đầy đủ, kho lưu trữ phải bảo đảm để bảo quản lưu trữ lâu dài các sổ sách, hồ sơ đăng ký hộ tịch phục vụ cho nhu cầu xin cấp bản sao, đăng ký lại, thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch khi nhân dân có yêu cầu.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch; quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch cấp trái quy định của pháp luật theo thẩm quyền (trừ việc đăng ký kết hôn vi phạm về điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình).

4. Phòng Tư pháp có nhiệm vụ giúp UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý Nhà nước về hộ tịch theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ; tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp, hộ tịch cấp xã; tổ chức tuyên truyền, phố biển các quy định của pháp luật về hộ tịch; quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp; lưu sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch; tổng hợp tình hình và số liệu thống kê hộ tịch, báo cáo UBND cấp tỉnh theo định kỳ, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch khi được UBND cấp huyện giao.

5. Cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã có trách nhiệm giúp UBND cấp xã thực hiện đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP ; thường xuyên kiểm tra và vận động nhân dân đi đăng ký kịp thời các sự kiện về hộ tịch; quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định; giữ gìn, bảo quản, lưu trữ sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch để cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch khi nhân dân có yêu cầu; tổng hợp tình hình và số liệu thống kê hộ tịch, báo cáo UBND cấp huyện theo định kỳ.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, nêu gương những người tốt, việc tốt trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 158/NĐ-CP để cán bộ, công chức và nhân dân hiểu và tự giác thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của công dân như: đăng ký khai sinh; khai tử; kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; giám hộ; thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; xác định lại giới tính; xác định lại dân tộc ...

7. Các cơ quan, Ban, Ngành, các Tổ chức, đơn vị trong tỉnh trong quá trình thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP , có trách nhiệm điều chỉnh các giấy tờ, văn bằng, hồ sơ cá nhân đã cấp cho công dân đúng với nội dung giấy khai sinh (không phân biệt giấy khai sinh được cấp theo thủ tục đúng hạn, quá hạn, đăng ký lại hay cấp lại) khi công dân có yêu cầu điều chỉnh.

8. Trong quá trình triển khai việc đăng ký, quản lý hộ tịch, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện quy định về thủ tục hành chính và trình tự giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” đã được UBND tỉnh quy định, đồng thời phải niêm yết công khai, chính xác các qui định về thủ tục, hồ sơ, quy trình tiếp nhận và thời gian giải quyết các việc đăng ký hộ tịch; lệ phí đăng ký hộ tịch; các trường hợp miễn, giảm lệ phí hộ tịch theo quy định tại Thông tư số 97/2006/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính. Nghiêm cấp các đơn vị, Cơ quan, Ban, Ngành tổ chức có liên quan thuộc tỉnh tự đặt ra các loại thủ tục, hồ sơ, lệ phí khi đăng ký hộ tịch.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này và chấp hành nghiêm chế độ báo cáo về tình hình đăng ký, quản lý hộ tịch của đơn vị, địa phương mình theo quy định cho UBND tỉnh thông qua Sở Tư pháp./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa