Chỉ thị 13/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Số hiệu: 13/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Trần Xuân Lộc
Ngày ban hành: 18/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2006/CT-UBND

Phủ Lý, ngày 18 tháng 5 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC, XẢ NƯỚC THẢI VÀO NGUỒN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Nước là tài nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của con người, xã hội và các ngành kinh tế. Do nhu cầu dùng nước ngày một tăng nhanh, nguồn nước có thể không đáp ứng được. Nước thải từ sinh hoạt đô thị và nông thôn, từ các cơ sở kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch - dịch vụ, thuỷ sản…đang gia tăng gây ô nhiễm nguồn nước. Nước cũng có thể gây ra tai hoạ cho con người và môi trường như lũ, lụt, sạt lở đất…

Trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ta đã thu được một số kết quả nhất định: Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ngày càng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch tăng bình quân hàng năm đạt 2%; đến nay đã có 60% dân số trong tỉnh được sử dụng nước sạch.

Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức. Quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước còn phân tán, chồng chéo. Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bừa bãi, không xin phép dẫn tới suy thoái nguồn nước cả về số lượng và chất lượng, môi trường nước có nơi mức độ ô nhiễm nặng.

Để sớm khắc phục được tình trạng trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện ngay một số việc sau:

1. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước. Sau hội nghị tập huấn của tỉnh, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp luật có liên quan tới tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê các tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước năm 2005; triển khai thực hiện đồng bộ việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo Nghị định số: 149/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trái pháp luật. Đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch thu phí nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt theo Nghị định số: 67/NĐ-CP ngày 13/6/2005 của Chính Phủ để góp phần hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy định về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh ban hành; hướng dẫn các huyện, thị xã về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; thẩm định hồ sơ các tổ chức, cá nhân xin phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp phép; tổng hợp, quản lý, lưu giữ hồ sơ liên quan đến tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan xây dựng các loại phí, lệ phí trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Trước mắt là khẩn trương chuẩn bị trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch thu phí nước thải sinh hoạt để ban hành và tổ chức thực hiện trong năm 2006.

4. Sở Nông nghiệp và PTNTtăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã sử dụng tưới tiêu một cách hợp lý nguồn tài nguyên nước cho nông nghiệp. Khắc phục tối đa úng ngập về mùa mưa, hạn hán về mùa khô, đặc biệt theo dõi chặt chẽ tình hình lũ bão trên địa bàn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống lũ lụt, khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

5. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài nguyên nước để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời nghiên cứu, hướng dẫn việc phân công, phân nhiệm cán bộ cho công tác quản lý tài nguyên nước ở các cấp, các ngành.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, Ngành có liên quan khi thẩm định các dự án có liên quan đến khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải có ý kiến tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm Luật tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường.

7. Sở Y tếcó trách nhiệm kiểm tra định kỳ chất lượng nước khai thác cho mục đích sinh hoạt, nhất là các Công ty kinh doanh nước sạch. Trong trường hợp nước không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khắc phục ngay, đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để xử lý.

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phân công cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; thường xuyên tiến hành kiểm tra, phân loại các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn; tổng hợp số liệu các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước báo cáo về sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 hàng năm. Trước mắt là: Đôn đốc tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép đến Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn và làm thủ tục cấp phép theo quy định của pháp luật. Thời gian chậm nhất đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2006; quá thời gian quy định trên, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

9. Báo Hà Nam, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về tài nguyên nước và nội dung chỉ thị này để mọi người dân, các tổ chức hiểu biết và thực hiện.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cấp, các ngành phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra văn bản- Bộ TP;
- Cục Pháp chế - Bộ TN&MT;
- TTTU, HĐND, Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- LĐVP (2), NN, TH, TCTM, NC, VX;
- Lưu VT, NN
2006/VP3/86

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Xuân Lộc

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.