Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2013 tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu: 12/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Lê Minh Hoan
Ngày ban hành: 26/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Đồng Tháp, ngày 26 tháng 07 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thời gian qua, hầu hết các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là việc sử dụng văn bản điện tử thông qua phần mềm eOffice (hơn 90% văn bản luân chuyển trong nội bộ được trao đổi qua mạng, hơn 30% văn bản trao đổi giữa các cơ quan, địa phương thực hiện qua email hoặc trên Cổng/Trang thông tin điện tử), ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại 06 Ủy ban nhân dân cấp huyện, ứng dụng chữ ký số, xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã,... đã mang lại nhiều hiệu quả trong hoạt động quản lý của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, số lượng văn bản giấy còn lớn, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ được trang bị máy tính còn thấp, hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều ngành, huyện còn mang tính chấp vá, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm ứng dụng, nhiều cơ quan, địa phương chưa sử dụng đầy đủ các tính năng của phần mềm được trang bị như phần mềm eOffice, một cửa điện tử, một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin triển khai chậm,... nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh tụt hạng nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ nên trong 02 năm 2011 và 2012 phải dãn tiến độ hoặc ngừng triển khai mới các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, không trang bị mới các máy vi tính và thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động của cơ quan,... Tuy nhiên, quan trọng nhất là người đứng đầu một số cơ quan, địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo và chưa gương mẫu trong việc sử dụng các công cụ, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và chỉ đạo, điều hành.

Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh (sau đây gọi chung là ngành), Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) thực hiện một số việc sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện những nhiệm vụ, nội dung công việc trong Chỉ thị số 13/2011/CT-UBND ngày 23/6/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 15/6/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Công văn số 25/UBND-TH ngày 13/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong gửi, nhận văn bản hành chính; Công văn số 12/UBND-VX ngày 15/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Công văn số 20/UBND-HC ngày 08/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; trong đó, cần tập trung vào một số nội dung:

a) Rà soát kinh phí đã cấp năm 2013 để ưu tiên mua sắm máy chủ, nâng cấp hệ thống mạng LAN, đường truyền băng rộng và máy tính cá nhân cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ; trường hợp kinh phí không đủ hoặc chưa được cấp thì đưa ngay vào dự toán kinh phí năm 2014;

b) Tổ chức thực hiện đầy đủ các tính năng của phần mềm eOffice, đảm bảo 100% văn bản, hồ sơ luân chuyển trong nội bộ dưới dạng văn bản điện tử (trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước). Các huyện đang sử dụng phần mềm một cửa điện tử phải bố trí đủ nhân lực, máy tính cá nhân và triển khai thực hiện tất cả các dịch vụ đã có trong phần mềm;

c) Rà soát và đề nghị Trung tâm Tin học Tỉnh cấp hộp thư điện tử của tỉnh cho tất cả các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ (kể cả cấp xã) và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng hộp thư điện tử của tỉnh trong trao đổi công việc;

d) Tất cả các văn bản nêu trong Công văn số 12/UBND-VX được chuyển cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh qua hệ thống thư điện tử của tỉnh, phần mềm eOffice, Cổng/Trang Thông tin điện tử và phải có chữ ký số; riêng các mẫu, biểu thì phải để nguyên dạng word, excel,... để các cơ quan, đơn vị tải về thực hiện mà không phải xây dựng lại;

đ) Lập kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2013 - 2015, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và Kế hoạch đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh mạnh về công nghệ thông tin như: xây dựng hệ thống thông tin của ngành (Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Xây dựng,...);

e) Bố trí mỗi cơ quan từ 01 - 02 công chức, viên chức có đủ trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về công nghệ thông tin. Riêng ở cấp huyện, mỗi phòng Văn hóa và Thông tin có ít nhất 01 công chức, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có ít nhất 02 công chức chuyên trách về công nghệ thông tin; trường hợp đủ điều kiện về nhân lực, có thể lập hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập Trung tâm Tin học - đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện để triển khai thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện;

g) Đưa nội dung về tình hình và kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào báo cáo định kỳ của ngành, huyện theo quy định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, trước mắt là dự án ứng dụng phần mềm một cửa điện tử giai đoạn 2, dự án ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành;

b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan và Trung tâm Tin học Tỉnh đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thiết yếu, cơ bản ở tất cả các ngành, lĩnh vực;

c) Xây dựng trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của các ngành, địa phương làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét thành tích khen thưởng hàng năm;

d) Chủ trì phối hợp với Trung tâm Tin học Tỉnh và Viễn thông Tỉnh đánh giá việc triển khai thí điểm hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã do Viễn thông Tỉnh cùng các huyện phối hợp thực hiện và đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai trên diện rộng để kết nối từ tỉnh đến xã và là hệ thống dự phòng cho hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện nay;

đ) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp cáo báo và đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh biện pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế, đồng thời, thực hiện việc nêu gương đối với những nơi làm tốt và phê bình những nơi làm chưa tốt.

3. Sở Tài chính:

a) Hướng dẫn các ngành, huyện lập dự toán kinh phí trang bị máy tính cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ và máy chủ (nếu có); tổng hợp và đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh nguồn kinh phí để cấp cho các ngành, huyện thực hiện (ngoài kinh phí chi thường xuyên) hoặc tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung để trang bị cho các ngành, địa phương.

b) Đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh cấp kinh phí thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin từ nguồn kinh phí sự nghiệp của tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: hướng dẫn các ngành, địa phương lập các dự án và đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh bố trí vốn đầu tư phát triển cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh.

5. Sở Nội vụ:

a) Đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh đưa nội dung đánh giá, xếp loại về ứng dụng công nghệ thông tin thành một tiêu chí trong đánh giá, xếp loại tổ chức, cán bộ, công chức và xét thi đua, khen thưởng hàng năm;

b) Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tin học Tỉnh: hướng dẫn quy trình xử lý văn bản điện tử trên phần mềm eOffice để thực hiện thống nhất trong tỉnh; xây dựng phần mềm về thi tuyển và thi nâng ngạch công chức;

c) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định các đề án thành lập Trung tâm tin học thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu có).

6. Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh:

a) Chỉ đạo việc tích hợp các phần mềm, hệ thống thông tin của các ngành tỉnh, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 vào Cổng thông tin điện tử tỉnh.

b) Chỉ đạo Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh bổ sung đầy đủ các mục tin trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh theo quy định của pháp luật.

7. Trung tâm Tin học Tỉnh:

a) Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh việc kết nối với các ngành tỉnh và huyện tạo thành mạng thông tin hành chính điện tử của tỉnh và hệ thống cơ sở dữ liệu, mẫu biểu báo cáo thống kê phục vụ chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh;

b) Bổ sung đầy đủ các mục tin trên Trang Thông tin điện tử của ngành, huyện theo đúng quy định của pháp luật, nâng cấp đường truyền, máy chủ nhằm đảm bảo cho việc truy cập nhanh, thông suốt;

b) Đề xuất việc nâng cấp hệ thống thư điện tử của tỉnh, đảm bảo hoạt động liên tục và thông suốt; cấp miễn phí địa chỉ hộp thư điện tử cho tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh theo đề nghị của các ngành, huyện;

d) Khẩn trương xây dựng dự án nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt và tích hợp đầy đủ các phần mềm, hệ thống thông tin chuyên ngành để tạo thành hệ cơ sở dữ liệu cho việc hình thành Chính quyền điện tử, trước mắt là phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin hộ tịch, hệ thống thông tin cán bộ, công chức...;

đ) Đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh việc bảo dưỡng, bảo trì và nâng cấp các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đã được tích hợp vào Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh;

e) Thường xuyên mở lớp tập huấn, đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh;

g) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành, huyện thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, của ngành, huyện và các nhiệm vụ được giao có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Tin học.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, huyện phản ảnh về Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn theo chức năng và thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT.TU; TT.HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT /UBND Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, NC/VX Thuy.

CHỦ TỊCH




Lê Minh Hoan

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.