Chỉ thị 12/2010/CT-UBND về tăng cường bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Số hiệu: | 12/2010/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cao Bằng | Người ký: | Nguyễn Hoàng Anh |
Ngày ban hành: | 08/10/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Môi trường, Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2010/CT-UBND |
Cao Bằng, ngày 08 tháng 10 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
Trải qua thời gian, thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, cùng với những di tích lịch sử, văn hoá và các giá trị nhân văn khác... Đó là nguồn tài nguyên vô giá, là tiềm năng để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên du lịch đã từng bước được quan tâm đầu tư khai thác, giải quyết được công ăn việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập cho nhân dân các địa phương có tiềm năng du lịch như các khu di tích lịch sử Pác Bó, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen.... góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý, khai thác nguồn tài nguyên du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa nghiêm; mặt khác quá trình công nghiệp hoá, khai thác khoáng sản, khai thác gỗ làm gia tăng các nguồn thải gây ô nhiễm, suy thoái, phá vỡ cảnh quan môi trường; quá trình đô thị hoá cũng gây nên nhiều vấn đề môi trường bức xúc; điều kiện vệ sinh, cung cấp nước sạch nhiều nơi chưa đảm bảo, làm hạn chế sức hấp dẫn du lịch và hiệu quả thu được còn rất thấp chưa tương xứng với tiềm năng.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị tăng cường công tác quản lý, bảo quản, duy tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ trật tự trị an, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch; phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành đối với các hành vi vi phạm. Phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng hoạt động phát triển du lịch để khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; hoặc lợi dụng tín ngưỡng để lấn chiếm đất đai thuộc quy hoạch của các khu du lịch, điểm du lịch, xây dựng nhà ở, xây dựng miếu đền thờ để kinh doanh kiếm lợi hoặc để phổ biến mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục dân tộc.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản liên quan đến các khu, điểm du lịch; di tích lịch sử, văn hoá nằm trong phạm vi Quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, tổ chức thẩm định, phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường của các dự án có liên quan tới các khu, điểm du lịch theo đúng quy định của Luật bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
3. Sở Tư pháp và các cơ quan: Báo Cao Bằng, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện thị tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch, Luật Khoáng sản, Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch...nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, tạo sự hấp dẫn du lịch.
4. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu, điểm du lịch phải có phương án và bản cam kết thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường; xây dựng và niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện; lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, các thiết bị thu gom rác, chất thải; bố trí lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường.
5. Khách du lịch phải tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu, điểm du lịch: bỏ chất thải vào thiết bị thu gom đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nơi tham quan du lịch; không được xâm hại cảnh quan, môi trường tự nhiên, di tích lịch sử- văn hoá, các loài động vật, sinh vật cảnh... tại khu điểm du lịch.
6. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tôn tạo giữ gìn các nguồn tài nguyên khi xây dựng các chương trình du lịch; không tổ chức các loại hình du lịch gây tổn hại đến môi trường; trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, các biện pháp ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cho các hướng dẫn viên du lịch.
7. Các cơ sở lưu trú du lịch phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng nội quy, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho cán bộ nhân viên. Tham gia tích cực vào việc khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và các phong trào bảo vệ môi trường do địa phương và ngành du lịch phát động.
8. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch có trách nhiệm hướng dẫn nhắc nhở khách du lịch không xả rác bừa bãi trên đường đi; thu gom đổ đúng nơi quy định rác thải phát sinh trên phương tiện trong quá trình vận chuyển khách du lịch; không vận chuyển trái phép chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, động thực vật quý hiếm...
9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm kiểm kê, báo cáo đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên du lịch của địa phương; xây dựng kế hoạch, biện pháp bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch đảm bảo hiệu quả bền vững; triển khai Chỉ thị này đến các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư, các đơn vị hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn.
10. Giao Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch theo dõi, tổng hợp việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ hàng năm báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị và các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |