Chỉ thị 12/2009/CT-UBND về tăng cường công tác công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: 12/2009/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
Ngày ban hành: 18/11/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Hành chính tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 12/2009/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 18 tháng 11 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Luật Công chứng năm 2006 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007) và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký là những văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cụ thể là tách biệt hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực; thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, xác định hoạt động công chứng thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp do các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, đồng thời xác định hoạt động chứng thực thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng tư pháp thực hiện.

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng, chứng thực của địa phương đã được triển khai có hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi các Phòng công chứng thành đơn vị sự nghiệp; chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng; tăng thẩm quyền chứng thực bản sao, chữ ký của Phòng tư pháp các huyện, thị xã và xóa thẩm quyền địa hạt công chứng. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác công chứng, chứng thực được giao; đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng, chứng thực của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác công chứng, chứng thực của tỉnh Bình Dương vẫn còn những tồn tại như: việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng hiện nay chưa cân đối giữa các địa bàn; đội ngũ công chức, viên chức làm công tác công chứng, chứng thực chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; nhận thức pháp luật về công chứng, chứng thực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân chưa đầy đủ.

Để nâng cao hiệu quả công tác công chứng, chứng thực, đáp ứng nhu cầu công chứng, chứng thực của nhân dân; bảo đảm tính an toàn pháp lý trong giao dịch của các tổ chức và cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các ngành, các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, tiếp tục phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh theo Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng của tỉnh; trong đó cần tập trung phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở những địa bàn (những huyện) chưa có tổ chức hành nghề công chứng; giao Sở Tư pháp tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu công chứng để định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức và cá nhân, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Căn cứ vào tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng, khả năng đáp ứng nhu cầu công chứng trên địa bàn, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch của các tổ chức và cá nhân, đồng thời tạo điều kiện để Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Phòng tư pháp các huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực được giao.

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về công chứng, chứng thực cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; trong đó cần tập trung tuyên truyền về nội dung, lộ trình và mục đích của việc xã hội hóa hoạt động công chứng và việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng theo quy định của Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng, chứng thực của nhân dân, tăng cường tính an toàn pháp lý cho giao dịch của các tổ chức và cá nhân.

4. Tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức làm công tác công chứng, chứng thực ở các cấp; giao Sở Tư pháp và Sở Nội vụ phối hợp rà soát, xác định chỉ tiêu biên chế, bảo đảm số lượng công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác công chứng, chứng thực.

5. Giao Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã khảo sát nhu cầu và chỉ đạo, tổ chức trang bị cơ sở vật chất cho các Phòng công chứng, Phòng tư pháp các huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác công chứng, chứng thực được giao; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác chứng thực của Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; thực hiện tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về công chứng, chứng thực báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đúng thời hạn.

Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp báo cáo, kiến nghị bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để xem xét và chỉ đạo kịp thời./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn