Chỉ thị 12/2008/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
Số hiệu: | 12/2008/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lâm Đồng | Người ký: | Huỳnh Đức Hòa |
Ngày ban hành: | 24/11/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2008/CT-UBND |
Đà Lạt, ngày 24 tháng 11 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Trong thời gian qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã góp phần đáng kể cung cấp nguyên vật liệu thi công các công trình kết cấu hạ tầng, công trình thủy điện, công trình dân dụng trên địa bàn; góp phần giải quyết được nhiều việc làm và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản còn thiếu đồng bộ, chưa đúng mức về công nghệ, thiết bị dẫn đến ngành công nghiệp chế biến khoáng sản của địa phương chậm phát triển; công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến phát sinh một số hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, khai thác trái phép, nhất là tại các vùng có khoáng sản kim loại quý, gây thất thoát tài nguyên, xâm hại môi trường chưa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời.
Thực hiện Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 01/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản” và Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát sỏi lòng sông”, nhằm tăng cường chấn chỉnh các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định của pháp luật, khắc phục các tồn tại nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương và các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trong toàn tỉnh thực hiện một số công việc sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh” trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Định kỳ hàng năm tiến hành rà soát cho phù hợp với các quy hoạch khoáng sản của cả nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phê duyệt và phù hợp với đặc thù của địa phương, trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét bổ sung, sửa đổi.
b) Khẩn trương rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các trường hợp đã được cấp phép hoạt động khoáng sản từ trước đến nay, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép các trường hợp vi phạm quy định; thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan kiểm tra, xử lý, giải tỏa và có giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, trái phép trên địa bàn.
c) Không tham mưu cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại những khu vực cần bảo vệ môi trường, bảo vệ các công trình hạ tầng giao thông hoặc có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, suối.
d) Ưu tiên xem xét đề nghị UBND tỉnh cấp phép cho tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư hiệu quả về kinh tế xã hội, sử dụng công nghệ tiên tiến, có phương án tốt để bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong khai thác và chế biến khoáng sản. Khuyến khích, tạo điều kiện khai thác khoáng sản gắn liền với việc xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh nhằm làm tăng giá trị khoáng sản và góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn.
d) Căn cứ tài liệu địa chất khoáng sản, các quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt để lựa chọn, xác định những khu vực có khoáng sản thế mạnh của địa phương có tiềm năng tốt, trữ lượng lớn, có thể khai thác công nghiệp làm cơ sở để tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu thầu từ khâu thăm dò đến đầu tư khai thác và chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
e) Tiếp tục tăng cường công tác quản lý môi trường trong hoạt động khoáng sản đảm bảo tất cả các hoạt động khoáng sản được cấp phép trên địa bàn phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong khu vực. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và quản lý việc ký quỹ phục hồi môi trường và kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm.trong quá trình hoạt động khoáng sản, ngăn chặn ngay việc sử dụng các hoá chất độc hại trong khai thác và chế biến để bảo vệ môi trường nước mặt, nước ngầm trong khu vực
g) Báo cáo và chịu sự chỉ đạo cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp chặt chẽ với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong các chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản được giao. Tranh thủ các dự án điều tra địa chất cấp Nhà nước cho việc điều tra khoáng sản tại địa phương.
h) Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; các kết quả kiểm tra xử lý việc chấp hành quy định trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trong tỉnh.
2. Sở Công Thương:
a) Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT - BCN ngày 18/6/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Công văn số 3122/BCT - CLH ngày 20/11/2007 của Bộ Công Thương và các quy định hiện hành để thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ.
b) Tổ chức kiểm tra thẩm định kịp thời trình UBND tỉnh cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác mỏ theo đúng các quy định hiện hành.
c) Đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công hàng năm cho các dự án xây đựng nhà máy chế biến khoáng sản mới hoặc đầu tư mở rộng có kết hợp đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, các nhà máy chế biến khoáng sản có sản phẩm xuất khẩu. Không đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các dự án chỉ chế biến khoáng sản đến bán thành phẩm công nghiệp.
3. Sở Xây dựng:
a) Căn cứ quy hoạch tổng thể quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng vùng để xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành để triển khai, tổ chức quản lý việc khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo quy hoạch.
b) Trong quá trình thẩm định, trình phê duyệt các dự án xây dựng khu dân cư tập trung, công trình cố định ở khu vực có tài nguyên khoáng sản đã được điều tra, đánh giá hoặc đã được tham dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản phải yêu cầu chủ đầu tư trình kèm ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Khoáng sản.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở ngành có liên quan:
Trong quá trình thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường để loại trừ diện tích các khu vực có tài nguyên khoáng sản đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng hoặc UBND tỉnh phê duyệt; Phối hợp xử lý việc xin thuê đất hoặc giao đất đầu tư xây dựng công trình, dự án khác trên các khu vực đã được phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
5. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao sự hiểu biết cho nhân dân trong vùng có tài nguyên khoáng sản về chính sách, pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, đấu tranh hạn chế các hành vi vi phạm pháp lý về khoáng sản.
b) Tăng cường chỉ đạo thường xuyên việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và có các biện pháp kịp thời, hữu hiệu ngăn chặn, giải toả, xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
c) Chỉ đạo chính quyền cấp xã, thôn không được ký kết hợp đồng, thu quỹ trái phép, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không đúng thẩm quyền; yêu cầu UBND cấp xã phải xử lý ngăn chặn ngay khi phát hiện có trường hợp hoạt động khoáng sản trái phép và báo cáo kịp thời với cấp trên đồng thời quản lý chặt chẽ nhân khẩu và ngăn chặn hiện tượng di cư tự do phá rừng, khai đào khoáng sản trái phép.
d) Kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng để thực hiện các nhiệm vụ: đề xuất quy hoạch, phối hợp kiểm tra, tham mưu cấp phép, bảo vệ môi trường, phê duyệt các dự án ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, phê duyệt các đề án đóng cửa mỏ thuộc thẩm quyền.
đ) Phối hợp với các ngành chức năng theo dõi việc thực hiện theo giấy phép thăm dò, khai thác, tận thu và chế biến khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên điạ bàn.
e) Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn có vi phạm các quy định của pháp luật, có quyền và trách nhiệm kịp thời ngăn chặn lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm (nếu vượt thẩm quyền), đề nghị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép tùy theo mức độ vi phạm.
6. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong tỉnh:
a) Tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật liên quan, thực hiện tốt các quy định về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản theo quy định tại Điều 33, Luật Khoáng sản.
b) Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác và chế biến khoáng sản.
c) Tăng cường hợp tác đầu tư với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để đầu tư thăm dò và khai thác khoáng sản gắn liền với việc xây dựng cơ sở chế biến khoáng sản có ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trên địa bàn.
Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi đến các sở, ngành thuộc tỉnh, các địa phương, các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai thực hiện./-
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 29/2008/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông Ban hành: 02/10/2008 | Cập nhật: 04/10/2008
Chỉ thị 26/2008/CT-TTg về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản Ban hành: 01/09/2008 | Cập nhật: 04/09/2008