Chỉ thị 12/2008/CT-UBND kiện toàn, cũng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu: | 12/2008/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hậu Giang | Người ký: | Huỳnh Minh Chắc |
Ngày ban hành: | 09/10/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2008/CT-UNBD |
Vị Thanh, ngày 09 tháng 10 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Thời gian qua, công tác hòa giải ở Tổ hòa giải và Ban hòa giải các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả. Qua đó, hoạt động hòa giải một mặt làm hạn chế các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, củng cố tình đoàn kết gia đình và tình làng nghĩa xóm; góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, kéo giảm các vụ kiện tụng không cần thiết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nhân dân có điều kiện nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, hiện nay còn một số nơi chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác hòa giải, Tổ hòa giải chưa được kịp thời củng cố, kiện toàn; người làm công tác hòa giải chưa được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ hòa giải và cung cấp tài liệu pháp luật, do đó thiếu kỹ năng và kiến thức pháp luật; một số hòa giải viên chưa thực sự nhiệt tình với công việc do chế độ đãi ngộ theo quy định chưa được triển khai thực hiện đồng bộ; còn một vài vụ việc hòa giải không dứt điểm do nể nang, né tránh, ... từ đó, hiệu quả và chất lượng công tác hòa giải chưa cao.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Sở Tư pháp:
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thị xã triển khai có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
b) Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cấp huyện; biên soạn và cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác hòa giải cho các Tổ hòa giải, Ban hòa giải; tổ chức cuộc thi dành riêng cho các hòa giải viên cơ sở.
c) Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp về điều kiện và thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho mỗi vụ, việc hoà giải thành.
d) Định kỳ kiểm tra công tác hoà giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và hoạt động hoà giải.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Tăng cường chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 3 của Chỉ thị này.
b) Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ hòa giải và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và các hoà giải viên ở ấp, khu vực.
c) Chỉ đạo Phòng Tư pháp lập dự trù, cấp phát kinh phí cho các Tổ hòa giải để đảm bảo nguồn kinh phí bồi dưỡng cho một vụ hòa giải thành là 80.000đồng/vụ/tổ hòa giải (trước đây kinh phí hỗ trợ cho mỗi vụ, việc hoà giải thành được trích từ nguồn ngân sách xã, phường, thị trấn); việc thanh, quyết toán phải được thực hiện theo đúng quy định.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Là nơi trực tiếp thực hiện công tác hòa giải cần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, ... cần gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các Tổ hòa giải, Ban hòa giải tích cực, chủ động trong việc hòa giải; đảm bảo các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ đều được hòa giải ngay tại ấp, khu vực; phấn đấu tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt từ 80% trở lên.
c) Thường xuyên theo dõi hoạt động hòa giải của các Tổ hòa giải, Ban hòa giải trên địa bàn mình quản lý. Định kỳ hàng quí làm việc trực tiếp với Tổ hòa giải để kiểm tra hồ sơ và sổ theo dõi công tác hòa giải. Thông qua việc kiểm tra, nếu phát hiện sai sót, kịp thời chỉ đạo, nhắc nhở và có biện pháp giải quyết phù hợp.
Kịp thời củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải, Ban hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở; đảm bảo mỗi ấp, khu vực có ít nhất 01 Tổ hòa giải với 03 tổ viên trở lên. Đối với Tổ hòa giải hoạt động không hiệu quả hoặc không tạo được sự tín nhiệm của người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức họp dân để bầu lại các thành viên của Tổ.
Riêng đối với Ban hòa giải phải đảm bảo số lượng từ 5 đến 7 thành viên, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban. Ban hoà giải có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân, những vụ việc do Tổ hòa giải chuyển lên.
d) Định kỳ hàng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên ở ấp, khu vực; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và sách pháp luật cho các Tổ hòa giải để phục vụ cho công tác hòa giải.
đ) Chỉ đạo Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn tổng hợp hồ sơ các vụ việc hòa giải thành trong mỗi quý gửi về Phòng Tư pháp để kịp thời cấp phát kinh phí chi bồi dưỡng mỗi vụ hòa giải thành theo quy định.
4. Cơ quan tư pháp có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Chỉ thị này. Định kỳ tháng, quý, 06 tháng, năm, cơ quan tư pháp có trách nhiệm thống kê số vụ việc hoà giải trên địa bàn mình báo cáo về Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tư pháp cấp trên.
5. Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải ở cơ sở.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở động viên hội viên, nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố Tổ hòa giải; lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để nhân dân bầu làm tổ viên Tổ hòa giải; tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt kết quả tốt.
7. Hàng năm, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức tổng kết và phát động phong trào thi đua, khen thưởng trong công tác hòa giải trên địa bàn.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |