Chỉ thị 12/2005/CT-UB tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn do tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: | 12/2005/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Dương | Người ký: | Trần Thị Kim Vân |
Ngày ban hành: | 22/03/2005 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2005/CT.UB |
Bình Dương, ngày 22 tháng 03 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ RAU AN TOÀN
Trong những năm gần đây các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều tích cực trong việc tuyên truyền, tập huấn phòng trừ dịch hại tổng hợp và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp ngộ độc có liên quan tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt quá mức cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn cho người sử dụng rau và nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành trong kiểm tra, quản lý sản xuất, lưu thông, tiêu thụ rau an toàn, hạn chế mức thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị như sau :
I- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất và tiêu thụ rau an toàn:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn phải qua tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất rau an toàn.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất và lưu thông rau an toàn phải đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có kế hoạch tổ chức hướng dẫn sản xuất, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng rau an toàn theo như quy định tại khoản 5.3 điều 5 Quyết định 67/1998/BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
- Khu vực sản xuất rau an toàn phải đáp ứng đủ các điều kiện về sản xuất rau an toàn và được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn về: đất trồng, phân bón, nước tưới và biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
- Phải áp dụng qui trình trồng rau an toàn, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân hữu cơ (đã qua xử lý) và nguồn nước không ô nhiễm. Trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
- Nghiêm cấm việc sử dụng trên rau thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm sử dụng và danh mục hạn chế sử dụng.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm rau an toàn do đơn vị mình sản xuất. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học có bếp ăn tập thể hoặc cung cấp suất ăn công nghiệp phải tuyên truyền, khuyến khích sử dụng rau an toàn để đảm bảo sức khỏe, hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc do ăn rau xẩy ra. Các đơn vị như cửa hàng, siêu thị, bếp tập thể, nhà hàng tiêu thụ rau an toàn phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc rau.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân hình thành Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn với việc áp dụng qui trình trồng rau an toàn, xây dựng thương hiệu và tham gia sản xuất kinh doanh rau an toàn.
II- Về quản lý rau an toàn:
1- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện công tác quản lý Nhà nước về sản xuất rau an toàn như sau:
- Chỉ đạo công tác triển khai những văn bản mới có liên quan tới những qui định sản xuất, sơ chế và kinh doanh rau an toàn. Xây dựng qui hoạch vùng sản xuất rau an toàn.
- Phối hợp các Ngành chức năng xây dựng các tiêu chuẩn về cửa hàng kinh doanh rau an toàn.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các Sở ngành liên quan như Sở Y tế, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Thương mại – Du lịch tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập ban kiểm tra liên ngành về sản xuất rau an toàn. Ban kiểm tra liên ngành có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các qui định về sản xuất, đánh giá và công nhận chất lượng rau an toàn cho các đơn vị sản xuất đã đăng ký.
2- Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện:
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn canh tác rau an toàn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn.
- Xây dựng, chuyển giao quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật canh tác và cấp giấy chứng nhận đã tập huấn cho người sản xuất rau an toàn.
- Phối hợp các ngành chức năng như Trung tâm y tế dự phòng, Sở Khoa học – Công nghệ thẩm định các điều kiện sản xuất rau an toàn.
- Tham gia Ban kiểm tra chuyên ngành về rau an toàn, thực hiện công tác giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn về qui trình canh tác, sử dụng phân bón, nước tưới và phòng trừ dịch hại nhằm bảo đảm chất lượng rau theo "qui định tạm thời về sản xuất rau an toàn" ban hành kèm theo quyết định 67/1998/BNN-KHCN ngày 28/4/1998 của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Xây dựng mạng lưới kiểm tra nhanh và thực hiện công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở vùng sản xuất rau an toàn và chợ đầu mối.
- Phối hợp các cơ quan chức năng: Chi cục quản lý thị trường, Trung tâm y tế dự phòng và Chính quyền địa phương thực hiện thanh, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau.
3- Trung tâm Khuyến Nông phối hợp Chi cục bảo vệ thực vật trong việc xây dựng mô hình, điểm trình diễn rau an toàn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác rau an toàn.
4- Sở Văn hóa-Thông tin và các Báo, Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức, dành thời lượng thông tin thích đáng cho việc tuyên truyền về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, phổ biến kiến thức liên quan đến ngộ độc thực phẩm do sử dụng rau không an toàn.
5- Sở Tài chính: Cấp kinh phí kịp thời cho các hoạt động, tuyên truyền, mở lớp tập huấn chuyên môn, xây dựng mô hình, điểm trình diễn, tài liệu hướng dẫn sản xuất rau an toàn.
6- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một phối hợp các ngành chuyên môn, đoàn thể thực hiện xây dựng qui hoạch vùng sản xuất rau an toàn và chỉ đạo công tác tập huấn, tuyên truyền kiến thức, pháp luật về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện.
7- Sở Y tế, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Thương mại – Du lịch tham gia Ban kiểm tra chuyên ngành về rau an toàn, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá và công nhận chất lượng rau an toàn.
8- Đề nghị các Đoàn thể kết hợp phổ biến lợi ích của việc trồng và sử dụng rau an toàn tại các buổi sinh hoạt để hội viên biết thực hiện. Định kỳ hàng tháng các ngành, các huyện, thị gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, Uỷ ban nhân dân huyện thị và các đoàn thể tổ chức triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |