Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Số hiệu: 11/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Phạm Quang Ngọc
Ngày ban hành: 21/08/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Ninh Bình, ngày 21 tháng 8 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Luật Đấu giá tài sản ngày 17/11/2016 và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, công tác đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo, quản lý và giám sát; các cuộc đấu giá được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần tích cực tạo nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tại một số địa phương còn chưa tuân thủ theo trình tự quy định; việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong lĩnh vực đấu giá tài sản, bàn giao tài sản sau đấu giá còn chưa chặt chẽ.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản; chống thất thoát tài sản Nhà nước; phòng, chống tham nhũng; ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

a) Thực hiện nghiêm quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các quy định pháp luật liên quan để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu giá, tăng cường công khai minh bạch, làm lành mạnh hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh.

b) Thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá được quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản, nhất là việc giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá.

c) Thực hiện và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc có tài sản đấu giá thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc lựa chọn, ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có tên trong danh sách tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố; thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, trong đó cần lưu ý việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải đảm bảo được các điều kiện, tiêu chí quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản, ngoài thù lao dịch vụ đấu giá cần căn cứ các tiêu chí khác như tiêu chí về phương án đấu giá, năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá tài sản để đánh giá, có thang điểm và quyết định lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản có tổng số điểm cao nhất, nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đấu giá tài sản.

d) UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nghiêm túc niêm yết việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản; tùy vào tính chất, mức độ phức tạp của từng cuộc đấu giá bố trí lực lượng công an để đảm bảo trật tự an ninh trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá.

2. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan; thường xuyên nắm tình hình, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thi hành Luật Đấu giá tài sản ở địa phương.

c) Tiếp nhận, cấp tài khoản sử dụng trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản cho các tổ chức đấu giá tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đảm bảo 100% tổ chức đấu giá tài sản tại địa phương được cấp tài khoản.

d) Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đấu giá tài sản; phát huy vai trò của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong hoạt động đấu giá tài sản công trên địa bàn tỉnh.

đ) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Kịp thời báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý đối với hoạt động đấu giá tài sản ở địa phương.

3. Sở Tài chính

a) Hướng dẫn việc áp dụng các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản nhà nước, tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước; chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản.

b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xác định giá khởi điểm đấu giá tài sản công theo thẩm quyền; xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất có thu tiền để giao đất, cho thuê đất đối với thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 20 tỷ đồng.

c) Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, việc niêm yết, thông báo công khai đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo tăng nguồn thu ngân sách.

d) Phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố nắm bắt thông tin về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 20 tỷ đồng trở lên sau khi có ý kiến của Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật liên quan, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trúng đấu giá.

c) Phối hợp với các Sở: Tư pháp, Tài chính; Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố nắm bắt thông tin về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

5. Công an tỉnh

Chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn đối với hoạt động đấu giá tài sản, nhất là các vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp, nhiều người tham gia đấu giá khi có yêu cầu.

6. Cục Thi hành án dân sự tỉnh

a) Thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án; căn cứ danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố, các tiêu chí theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản để lựa chọn tổ chức đấu giá trong đấu giá tài sản thi hành án.

b) Thực hiện phương án đấu giá tài sản thi hành án đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên và thuận lợi trong quá trình bàn giao tài sản thi hành án sau đấu giá, khắc phục tình trạng khó khăn và giải quyết triệt để tình trạng khiếu kiện kéo dài trong việc bàn giao tài sản thi hành án sau đấu giá.

7. Cục thuế tỉnh

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với tài sản trúng đấu giá và các khoản thu khác của người trúng đấu giá theo quy định.

b) Theo dõi, đôn đốc việc kê khai, thu, nộp ngân sách Nhà nước đối với các khoản thu từ hoạt động đấu giá tài sản của các cơ quan, đơn vị có tài sản đấu giá hoặc cơ quan, đơn vị được giao chủ trì xử lý việc đấu giá tài sản và các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

8. Các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh

Bảo đảm điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động đấu giá. Thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản. Nghiêm túc thực hiện việc đăng thông báo công khai đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản. Nghiêm cấm các tổ chức đấu giá tài sản có hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá hoặc thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá để dìm giá nhằm trục lợi.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các ngành, các cấp kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:

- Thường Trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh;
- Báo NB, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu: VT, VP5, 2, 3, 7.
         TrH_VP5

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Quang Ngọc

 





Nghị định 62/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu giá tài sản Ban hành: 16/05/2017 | Cập nhật: 16/05/2017