Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ năm học 2016-2017
Số hiệu: 11/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu Người ký: Tống Thanh Hải
Ngày ban hành: 01/09/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Lai Châu, ngày 01 tháng 9 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2016 - 2017

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 theo tinh thần Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành và cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Về công tác quản lý giáo dục và đào tạo

Tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về giáo dục và đào tạo.

Tập trung chỉ đạo thanh tra các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục; các vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Chú trọng thực hiện các kiến nghị, kết luận xử lý sau thanh tra.

Thực hiện công khai chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo; quản lý thu, chi tài chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lãnh đạo, quản lý.

2. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục

2.1. Nhiệm vụ chung

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học thông qua các chuyên đề, đề tài, sáng kiến để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảng dạy. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Tăng cường kỹ năng thực hành vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phối hợp với chính quyền các cấp ký cam kết duy trì số lượng học sinh; tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để học sinh trong độ tuổi đến trường, huy động trẻ ra lớp; duy trì, giữ vững phổ cập giáo dục. Tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm.

Tổ chức tốt công tác giáo dục đạo đức, pháp luật, kĩ năng sống, giáo dục kỷ luật tích cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ngăn chặn bạo lực trong trường học. Nâng cao chất lượng hoạt động các trường bán trú và trường có học sinh bán trú. Chú trọng rèn luyện kỹ năng sống gắn với tâm lý lứa tuổi và văn hóa địa phương.

2.2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Giáo dục mầm non

Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Thực hiện chương trình giáo dục mầm non sửa đổi; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; tiếp tục thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển vận động. Chú trọng giáo dục phát triển hành vi, thói quen tốt và giáo dục kỹ năng sống phù hợp. Chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ. Tăng cường hoạt động vui chơi và các hoạt động trải nghiệm, khám phá.

b) Giáo dục tiểu học

Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt chú trọng tới các trường vùng đặc biệt khó khăn. Tăng số học sinh được học ngoại ngữ theo chương trình mới (4 tiết/tuần). Tiếp tục huy động học sinh lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính bảo đảm hợp lý. 100% học sinh lớp 1 được học môn Tiếng Việt theo tài liệu công nghệ giáo dục; dạy học thí điểm một số môn học lớp 1, lớp 2 theo tài liệu công nghệ giáo dục; duy trì Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại các trường đã và đang thực hiện với trọng tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học và đánh giá học sinh theo xu hướng của giáo dục hiện đại.

c) Giáo dục trung học

Tiếp tục tổ chức tốt việc dạy học theo đối tượng, theo vùng; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục cấp trung học cơ sở, nhất là những đơn vị có chất lượng giáo dục thấp. Tích cực triển khai công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Triển khai đổi mới mạnh mẽ về tổ chức sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh.

d) Giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp

Thực hiện có hiệu quả mục tiêu Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; kiện toàn, củng cố mô hình hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng; thực hiện sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên với Trung tâm dạy nghề cấp huyện. Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Triển khai giáo dục công tác hướng nghiệp, mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp góp phần phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Quản lý hiệu quả công tác liên kết đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đáp ứng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

3. Về công tác đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Thực hiện có hiệu quả, sáng tạo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Xây dựng điển hình và nhân rộng điển hình tiên tiến, tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, biểu dương đúng người đúng việc. Động viên, khuyến khích đội ngũ học tập và sáng tạo, ngăn ngừa, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện vi phạm pháp luật và đạo đức nhà giáo. Triển khai thực hiện xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 14.

Xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức kiểm tra kiến thức cơ bản để đánh giá năng lực cán bộ chuyên môn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học làm. Bố trí giáo viên giảng dạy hợp lý trong cùng cấp học để nắm bắt được chương trình toàn cấp.

4. Về công tác cơ sở vật chất, thiết bị

Sở Giáo dục và Đào tạo làm tốt công tác tham mưu, chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đảm bảo hệ thống trường lớp theo quy hoạch đã được phê duyệt đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.

Tổ chức thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu về giáo dục và đào tạo đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học; trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy đặc biệt tiến độ xây dựng trường mầm non theo chương trình kiên cố hóa giai đoạn 2014 - 2016, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dự kiến đạt chuẩn quốc gia và các trường mới thành lập.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý và sử dụng tài sản hợp lý và đạt hiệu quả, không để xảy ra tình trạng lãng phí. Rà soát, điều chuyển trang thiết bị từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Có kế hoạch bổ sung, mua sắm mới trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy học đáp ứng nhu cầu thiết yếu trên phạm vi toàn ngành.

Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành có liên quan: Căn cứ vào chức năng, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đảm bảo các nguồn chi thường xuyên và các nhiệm vụ khác trong việc thực hiện đổi mới giáo dục theo Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 26/12/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 150-QĐ/TU ngày 20/6/2016 của Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tổ chức tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị. Căn cứ tình hình thực tế, cân đối bố trí nguồn ngân sách của địa phương lồng ghép với nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện hỗ trợ kinh phí ăn trưa cho trẻ nhà trẻ (từ 19 tháng đến 35 tháng tuổi) nhằm nâng cao tỉ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp. Chủ động, phát huy sự cộng tác, phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội đồng giáo dục các cấp tùy theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục phát triển để ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016-2017.

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức quán triệt và cụ thể hóa từng nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị đến tất cả cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành. Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 - 2017./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT Tỉnh
y, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- Hội Cựu Giáo chức tỉnh;
- Hội Khuyến học tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải