Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2011 thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Số hiệu: | 11/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cà Mau | Người ký: | Dương Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 09/11/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND |
Cà Mau, ngày 09 tháng 11 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẢI QUYẾT PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN VÀ TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; qua đó hoạt động cải cách hành chính có tiến bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng gây phiền hà của một số cán bộ, công chức còn xảy ra, làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả đối với hoạt động cải cách hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho người dân, cho hoạt động của nhà đầu tư, từng bước nâng cao lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện công vụ, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức; tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, “công tâm – thạo việc” trong thực thi công vụ. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
a) Từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng Chương trình hành động cụ thể để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao thái độ, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; có giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt việc gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính và các quy định có liên quan.
b) Lựa chọn những cán bộ, công chức có năng lực, chuyên môn, kỹ năng hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ tốt để bố trí phân công nhiệm vụ tại bộ phận một cửa, kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến thủ tục hành chính.
c) Tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, có hiệu quả việc rà soát thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp, chồng chéo để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo đúng quy định.
d) Xây dựng cơ chế tự kiểm tra, giám sát, độc lập, khách quan trong nội bộ cơ quan, công khai các số điện thoại, đường dây nóng của cơ quan, đơn vị trên các phương tiện thông tin, niêm yết công khai tại cơ quan, đơn vị để mọi cá nhân, tổ chức biết thực hiện quyền phản ánh, kiến nghị theo quy định. Đồng thời, có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị đúng quy định.
đ) Định kỳ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đối thoại trực tiếp với công dân để giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị của công dân.
e) Quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính phải gắn với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, những nơi làm việc phải thực hiện nghiêm túc các quy định sau:
a) Niêm yết công khai toàn bộ thủ tục, trình tự, thời gian giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị mình, ghi rõ họ tên, chức vụ những cán bộ, công chức có trách nhiệm giải quyết công việc để công dân nhận biết.
b) Công khai quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo của công dân đối với những hành vi vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc; họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết những khiếu nại, tố cáo này.
c) Tất cả cán bộ, công chức có trách nhiệm tiếp, làm việc trực tiếp với công dân phải đeo thẻ cán bộ, công chức.
3. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức được phân công trực tiếp thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị để đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của tỉnh.
4. Các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền sâu, rộng các quy định về cải cách hành chính, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng. Kịp thời góp ý, phản ánh những hành vi vi phạm trong thực hiện chủ trương cải cách hành chính; đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác này.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |