Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2015 về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong công tác cải cách thủ tục hành chính
Số hiệu: 11/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Lý Thái Hải
Ngày ban hành: 21/09/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 21 tháng 9 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Trong những năm gần đây, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã xác định đẩy mạnh cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực, hoạt động kiểm soát TTHC đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, hiệu quả của công tác cải cách TTHC nhìn chung vẫn còn thấp, chưa thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân. Việc triển khai ở một số đơn vị, địa phương còn hình thức. Nội dung, quy trình thực hiện TTHC của một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, phức tạp. Việc công khai, niêm yết TTHC không được thực hiện đúng quy định, Thời gian giải quyết TTHC còn kéo dài, nhiều đơn vị chưa thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách TTHC, vai trò của cơ quan kiểm soát TTHC trong công tác cải cách TTHC chưa được phát huy đúng mức.

Để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác cải cách TTHC, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác cải cách TTHC của đơn vị, địa phương và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cải cách TTHC đã được xác định tại các văn bản: Kế hoạch số: 183/KH-UBND ngày 16/6/2015 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số: 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong hai năm 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2015 ban hành kèm theo Quyết định số: 2497/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh; Kế hoạch số: 112/KH-UBND ngày 23/4/2015 của UBND tỉnh về thống kê, chuẩn hóa bộ TTHC theo Quyết định số: 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số: 2268/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2015 của tỉnh Bắc Kạn; Văn bản số: 244/UBND-NC ngày 20/01/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2015.

2. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

a) Hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của các TTHC, xác định chi phí tuân thủ TTHC trong phạm vi quản lý và thẩm quyền thực hiện của đơn vị, địa phương, từ đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung, thay thế hoặc cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, không cần thiết, góp phần đơn giản hóa TTHC.

b) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng quy trình giải quyết TTHC nội bộ, bảo đảm nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho cá nhân, tổ chức; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC; Tổ chức thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định số: 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

c) Các Sở, Ngành khi được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL có quy định TTHC cần phối hợp với Sở Tư pháp để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC thông qua việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến và thẩm định TTHC trong dự thảo VBQPPL, cần tiếp thu và có sự giải trình đầy đủ đối với các ý kiến góp ý, thẩm định của Sở Tư pháp về quy định TTHC khi trình UBND tỉnh ban hành văn bản.

d) Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố, niêm yết công khai, minh bạch TTHC và giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

đ) Kịp thời xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức để xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức. Ngoài việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó cũng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm.

e) Định kỳ 06 tháng tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC và kết quả giải quyết TTHC; kịp thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn khi giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.

g) Bố trí và bảo đảm đầy đủ kinh phí để triển khai các hoạt động cải cách TTHC theo quy định hiện hành.

3. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương cần lấy kết quả cải cách TTHC, thực hiện công tác kiểm soát TTHC là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu và cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị được phân công theo dõi, xử lý các vấn đề liên quan đến cải cách TTHC.

4. Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện thống nhất, đầy đủ các nội dung của công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; đề xuất, xây dựng quy định lấy kết quả thực hiện cải cách TTHC là một trong các tiêu chí để xét khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức; Tăng cường thực hiện thanh tra công vụ, nhất là đối với những đơn vị, những cán bộ công chức thường xuyên trực tiếp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này với UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải