Chỉ thị 11/2013/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện
Số hiệu: 11/2013/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Lê Thanh Dũng
Ngày ban hành: 02/04/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2013/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 02 tháng 4 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ THU PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Trong thời gian qua mạng lưới thông tin vô tuyến điện phát triển nhanh, được sử dụng hiệu quả ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để đưa công tác quản lý tần số và thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện đi vào nề nếp, đúng với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước về tần số và thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện vẫn còn nhiều hạn chế như: công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan chưa thật sự đồng bộ; một số đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện chưa nhận thức đầy đủ và chưa chấp hành các quy định của nhà nước về tần số vô tuyến điện, dẫn đến tình trạng gây can nhiễu có hại cho các mạng đài vô tuyến điện khác, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới an toàn thông tin và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục những tồn tại, chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin ; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện những nội dung sau:

1. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi với nhiều hình thức các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện và quy hoạch tần số vô tuyến điện quốc gia đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;

b) Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục, hồ sơ xin cấp phép sử dụng và phương thức sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện theo đúng Luật Tần số vô tuyến điện và các quy định liên quan.

c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến không có giấy phép; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, lưu thông, sử dụng điện thoại không dây (chuẩn DECT 6.0 có băng tần sử dụng từ (1900–1930) MHz), thiết bị kích sóng, phá sóng... và các thiết bị phát sóng vô tuyến điện khác không có giấy chứng nhận hợp quy, có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số của Quốc gia, gây can nhiễu cho các mạng thông tin vô tuyến điện; không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ và tương thích điện từ theo quy định.

d) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về kế họach thực hiện lộ trình số hóa phát thanh, truyền hình theo chủ trương của Chính phủ.

đ) Có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong các chương trình tập huấn, đào tạo thuyền trưởng, chương trình khuyến ngư cần có kế hoạch lồng ghép nội dung hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến việc đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị thông tin vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá theo quy định hiện hành. Hướng dẫn các chủ phương tiện nghề cá phải trang bị thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện theo đúng quy định, nhằm phục vụ công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các vấn đề khác có liên quan.

3. Sở Công thương

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên thị trường các thiết bị vô tuyến điện không có nguồn gốc hợp pháp, không chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, sử dụng dấu hợp quy và có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện quốc gia.

4. Sở Giao thông vận tải

Kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật chuyên ngành với phổ biến kiến thức pháp luật và các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, vận tải biển, vận tải thủy nội địa...biết tự giác thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn thông tin vô tuyến điện trong hoạt động kinh doanh.

5. Hải quan tỉnh

Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển, nhập khẩu vào thị trường trong nước các thiết bị vô tuyến điện không phù hợp với các quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện ở Việt Nam.

6. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

a) Phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực II kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại; thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng .

b) Tăng cường việc quản lý, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện được phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích băng tần số đã được phân bổ, phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

c) Công an tỉnh có nhiệm vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi, vi phạm liên quan đến việc quản lý tần số và thiết bị về vô tuyến điện làm ảnh hưởng đến an ninh thông tin. Đồng thời, làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn với các hoạt động lợi dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện để gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Chỉ đạo cho Công an huyện, thành phố, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II kiểm tra và kiên quyết tịch thu, xử lý triệt để các trường hợp sử dụng thiết bị vô tuyến điện, thiết bị phá sóng, máy điện thoại không dây không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nam, gây can nhiễu thuộc địa phương mình quản lý.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện nghề cá làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện đặt trên các phương tiện nghề cá.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá và đối với các chủ phương tiện tàu thuyền sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép.

c) Đối với tàu thuyền hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ, chỉ cho phép rời bến khi có trang bị máy thông tin liên lạc đã được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện (máy thông tin liên lạc tầm xa và phải liên lạc hai chiều với đất liền).

8. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Ria - Vũng Tàu, cổng thông tin điện tử của tỉnh

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan căn cứ vào nội dung Chỉ thị này và các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý tần số và thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện để tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện.

b) Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh kết thúc việc phát sóng các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31 tháng 12 năm 2016 để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm .

b) Chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin, Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn khi sử dụng thiết bị vô tuyến điện, phát thanh, truyền hình và truyền thanh không dây phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tần số và thiết bị vô tuyến điện;

c) Đối với các dự án đầu tư thiết bị về truyền thanh, truyền hình, đài truyền thanh không dây có liên quan đến việc sử dụng tần số vô tuyến điện phải có ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông trước khi phê duyệt. Việc lập dự án đầu tư mới hoặc đầu tư nâng cấp hệ thống đài truyền thanh không dây ở các xã, phường, thị trấn chỉ được trang bị thiết bị phát sóng trong dải tần số (54-68) MHz, có công suất tối đa là 30W; Đối với các hệ thống truyền thanh không dây đang hoạt động ở băng tần (87-108) MHz, phải sớm có kế hoạch chuyển đổi sử dụng về băng tần (54-68) MHz và phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa vào hoạt động.

10. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân

a) Phải đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, kể cả máy điện thoại không dây không thuộc danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại Điều 27 Luật Tần số vô tuyến điện, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ các quy định trong giấy phép sử dụng, tránh gây nhiễu có hại.

b) Nghiêm cấm việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông và sử dụng các thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện, máy điện thoại không dây và các thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình, truyền thanh không dây không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bức xạ điện từ trường, không phù hợp các quy hoạch tần số vô tuyến điện ở Việt Nam hoặc không thực hiện quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành. Các hoạt động kinh doanh mua bán, sản xuất thiết bị, thử nghiệm hoặc sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II khi xảy ra sự cố can nhiễu; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, nguồn gây can nhiễu và thực hiện các biện pháp để giải quyết nhiễu có hại.

11. Tổ chức thực hiện

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 31/2006/CT-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

Giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối và phối hợp với các Sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị này; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phải kịp thời đề xuất, gửi Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Dũng