Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2017 về tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Kim Ngọc Thái
Ngày ban hành: 19/10/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 19 tháng 10 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG, CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Trong các năm qua, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực; quy hoạch ngành nông nghiệp và một số quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu (gọi chung là các quy hoạch nông nghiệp) được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới kịp thời và triển khai thực hiện đạt kết quả khá cao; sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào nề nếp; một số vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung hình thành và phát triển theo quy hoạch; đa số người sản xuất chấp hành theo cơ cấu mùa vụ và lịch thời vụ khuyến cáo. Qua đó, hiệu quả sản xuất và kinh tế nông nghiệp được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, việc rà soát, xây dựng mới một số quy hoạch nông nghiệp còn chậm; một số quy hoạch nông nghiệp được duyệt nhưng tổ chức triển khai thực hiện chậm, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất; tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, không theo mùa vụ và lịch thời vụ vẫn còn diễn ra, làm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trên là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt và sự bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông nghiệp của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp cơ sở.

Để tăng cường và chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch nông nghiệp trong thời gian tới; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm về sản xuất nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, tổ chức hội đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch nông nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương; tổ chức công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch nông nghiệp đã được phê duyệt đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân theo quy định.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện và quản lý các quy hoạch nông nghiệp đã được phê duyệt theo phân cấp.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch nông nghiệp; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp tăng cường quản lý quy hoạch nông nghiệp.

- Phối hợp với cơ quan báo, đài của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Theo dõi, đánh giá, tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình, kết quả triển khai thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức và và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 48 Luật Đất đai năm 2013.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo quy định pháp luật về đất đai.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp địa phương quản lý; xử lý các trường hợp vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp theo thẩm quyền; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền.

- Theo dõi, đánh giá, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình, kết quả triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư

- Phối hợp, hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện rà soát, xây dựng mới các quy hoạch nông nghiệp. Trước mắt, tạm ngưng trình chủ trương lập mới quy hoạch đến khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư thực hiện các công trình, dự án thuộc danh mục công trình, dự án ưu tiên, trọng điểm trong các quy hoạch nông nghiệp được duyệt.

4. Sở Tài chính

Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện rà soát, xây dựng mới các quy hoạch nông nghiệp; bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện các chính sách hỗ trợ, các hoạt động sự nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.

5. Đề nghị các tổ chức hội, đoàn thể

Xây dựng chương trình, kế hoạch vận động, giáo dục, phát động đoàn viên, hội viên và người sản xuất hưởng ứng phong trào tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương, tích cực đấu tranh vi các hành vi sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch, thời vụ.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, các cơ quan thông tấn, báo chí

Phi hp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Tăng thời lượng tin bài, thời gian phát sóng, kịp thời thông tin các hoạt động và kết quả sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch.

Phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về hiệu quả trong việc sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích, sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, theo mùa vụ và lịch thời vụ. Tuyên truyền sâu rộng những tác hại khi sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, thời vụ.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các quy hoạch nông nghiệp và kế hoạch của tỉnh trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch nông nghiệp phù hợp với thực tế tại địa phương.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, kiên quyết không xem xét, hỗ trợ đối với các trường hợp sản xuất không theo quy hoạch, kế hoạch, không theo mùa vụ và lịch thời vụ khuyến cáo khi xảy ra thiệt hại; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp tăng cường quản lý quy hoạch nông nghiệp.

- Hằng năm tổ chức sơ kết, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tình hình, kết quả triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

8. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

- Tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch của các cấp, các ngành.

- Rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp của cấp tỉnh và cấp huyện.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; triển khai các biện pháp tuyên truyền, động viên người sản xuất không để xảy ra các trường hợp sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch, không theo lịch thời vụ khuyến cáo; điều tra, lập danh sách các trường hợp nhiều lần vận động nhưng vẫn cố tình vi phạm, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền không xem xét, hỗ trợ khi xảy ra thiệt hại.

9. Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác

- Có trách nhiệm sử dụng đất nông nghiệp theo đúng quy định pháp luật; tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, mùa vụ và lịch thời vụ khuyến cáo của các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn.

- Thực hiện liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tác động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường do sản xuất nông nghiệp gây ra.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, tổ chức hội, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.