Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2017 tăng cường quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Đinh Khắc Đính
Ngày ban hành: 05/05/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 5 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và các văn bản pháp luật có liên quan, trong thời gian qua, việc xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực đã được các sở, ban, ngành, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế quan tâm thực hiện, nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện và xử lý theo quy định, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm hành chính; đồng thời góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, qua thực tiễn theo dõi tình hình thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) và các văn bản pháp luật có liên quan trong những năm qua cho thấy vẫn còn tình trạng áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất; biên bản vi phạm hành chính được lập không đúng theo mẫu quy định; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn quy định; người ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền; việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để; công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ, kịp thời; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính chưa thường xuyên, liên tục, chưa có thống nhất… ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

Để tăng cường hiệu quả thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; thủ trưởng các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục, hạn chế sai sót, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý của mình.

3. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Quyết định số 40/2015/QĐ-UBND ngày 24/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Chỉ thị số 49/2013/CT-UBND ngày 04/12/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Chỉ thị số 03/2015/CT-UBND ngày 22/01/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính phải áp dụng đúng mẫu biên bản ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan; ghi nhận đầy đủ, chính xác các nội dung trong biên bản.

5. Khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải lưu ý các nội dung sau đây:

a) Đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu, mức phạt và các nội dung khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải thực hiện giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, sử dụng mẫu văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

c) Áp dụng thống nhất mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

6. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, đơn vị theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Thông tư số 10/2015/TT-BTP).

Thực hiện báo cáo tổng hợp, xử lý số liệu đầy đủ, chính xác; nhận định, đánh giá về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Căn cứ trên kết quả đạt được, nêu rõ các vấn đề còn tồn tại, các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, các giải pháp, kiến nghị và đề xuất cụ thể; đảm bảo nội dung báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình đy đủ, thống nhất về các nội dung theo Đề cương và các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BTP .

7. Chủ động tổ chức thực hiện các quy định về cung cấp, tiếp nhận, cập nhập thông tin về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình thực hiện vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và nhiệm vụ được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và Thông tư số 13/2016/TT-BTP ngày 30/12/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

8. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân cấp huyện phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, quản lý, vận động giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.

10. Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; tng hợp những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Khắc Đính