Chỉ thị 10/CT-UBND thực hiện Nghị định số 106/NĐ-CP về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa Người ký: Trần Sơn Hải
Ngày ban hành: 10/03/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Khánh Hòa, ngày 10 tháng 3 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 106/NĐ-CP NGÀY 17/8/2005 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC VỀ BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP

Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, UBND địa phương các cấp đã phối hợp tốt với ngành điện triển khai thực hiện Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 106/2005/NĐ-CP và Nghị định số 81/2009/NĐ-CP). Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp còn diễn biến phức tạp, nhiều sự cố lưới điện và tai nạn điện vẫn còn xảy ra. Để thực hiện nghiêm túc Nghị định số 106/2005/NĐ-CP và Nghị định số 81/2009/NĐ-CP nhằm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm một số nội dung sau:

1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Truyền tải Điện 3, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là các Đơn vị quản lý công trình lưới điện) và các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình bằng những hình thức phù hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trong toàn tỉnh biết các nội dung chủ yếu trong Nghị định số 106/2005/NĐ-CP , Nghị định số 81/2009/NĐ-CP về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức và mọi công dân.

2. Các Đơn vị quản lý công trình lưới điện kiểm tra lại đối với các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (tồn tại từ trước khi Luật Điện lực có hiệu lực) để phân loại tính chất, mức độ vi phạm và đề xuất hình thức xử lý thích hợp gửi Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất ý kiến tham mưu, báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định số 106/2005/NĐ-CP xem xét giải quyết theo quy định.

3. Khi phát hiện các hành vi xâm phạm vào phạm vi bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, gây mất an toàn lưới điện hoặc gây nguy hiểm cho người thì các Đơn vị quản lý lưới điện phải báo ngay cho UBND địa phương, lực lượng Công an đóng trên địa bàn để ngăn chặn kịp thời và lập biên bản để xử lý vi phạm.

Trường hợp phát hiện công trình lưới điện bị xâm phạm, bị phá hoại, bị cháy, bị sự cố nghiêm trọng do thiên tai hoặc nguyên nhân khác thì các Đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện có trách nhiệm khẩn trương khắc phục để hạn chế thiệt hại và đưa công trình vào hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của đơn vị quản lý công trình lưới điện, UBND các địa phương, lực lượng Công an đóng trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ cho các Đơn vị quản lý công trình lưới điện khắc phục để hạn chế thiệt hại.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố không cấp đất, cấp phép xây dựng công trình vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp. Tổ chức, cá nhân phải thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện cao áp khi xây mới, cải tạo nhà ở, công trình nằm trong hành lang an toàn lưới điện.

5. Ngành điện và các chủ đầu tư các công trình điện cao áp phải thực hiện thỏa thuận tuyến và xin cấp đất cho công trình điện khi xây dựng công trình. Trong phạm vi hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp khi thiết kế được duyệt, chủ đầu tư công trình phải thông báo bằng văn bản cho UBND địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng và tài sản khác nằm trong phạm vi công trình lưới điện cao áp biết. Việc bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất và hỗ trợ khác cho chủ sở hữu khi xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Buộc phải phá dỡ và không được bồi thường, hỗ trợ mọi tài sản, công trình vi phạm được tạo lập sau khi đã nhận được thông báo thực hiện dự án của chủ đầu tư.

6. Các Đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương để xử lý, duy tu bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa, thống kê báo cáo vi phạm theo quy định.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh giải quyết kịp thời/.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (B/c);
- TTTU, HĐND và UBND;
- TTHĐND và UBND huyện, tx, tp;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể;
- Công An tỉnh; BCH: QSự tỉnh, Biên phòng tỉnh;
- TĐ Điện lực VN, TCT Điện lực Miền Trung;
- Các Cty: Truyền tải điện 3, cp Điện lực KH;
- TAND tỉnh; Viện KSND tỉnh;
- Đài PT& Truyền hình KH, Báo Khánh Hòa;
- Website Khánh Hòa;
- Lưu: VP, HB, PH, Hlu.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Sơn Hải