Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng năm 2020 do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Dương Thái
Ngày ban hành: 28/04/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Hải Dương, ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, TRỪ SÂU, BỆNH GÂY HẠI CÂY TRỒNG NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 03/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng chống sinh vật gây hại lúa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc; Để chủ động phòng trừ sâu, bệnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra đối với cây trồng năm 2020, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, phát hiện xử lý sớm, hiệu quả ngay từ ngày đầu các đối tượng hại; hướng dẫn các địa phương và nông dân biện pháp và thời điểm phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại; kiên quyết không để lây lan ra diện rộng và phát triển thành dịch. Đặc biệt lưu ý:

+ Đối với Lúa: Vụ Xuân, tiếp tục chỉ đạo phòng trừ chuột hại; bệnh đạo ôn lá, đặc biệt bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm, trên diện lúa trỗ đồng loạt của tỉnh từ 01-15/5/2020; phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 từ nay đến cuối tháng 4; phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 3 từ giữa đến cuối tháng 5 và bệnh bạc lá cuối vụ. Vụ Mùa cần lưu ý một số đối tượng dịch hại chính như: Chuột hại, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu, rầy lưng trắng,... Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân cân đối, tăng bón ka li cho lúa chất lượng để vừa đảm bảo cho lúa sinh trưởng, trỗ bông tốt, năng suất cao vừa hạn chế tác động của phân bón đến sự phát sinh gây hại của sâu, bệnh, nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.

+ Đối với cây vải, nhãn: Điều tra dự tính, dự báo hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả kịp thời sâu bệnh, tập trung chú ý 3 đối tượng bệnh sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả trên vải, nhãn. Khuyến cáo sử dụng các loại thuốc trừ sâu, bệnh ít độc hại để phun phòng trừ sâu bệnh cho vải theo khuyến cáo của cơ quan BVTV nhằm tiết kiệm chi phí, an toàn sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo các vùng mô hình vải, nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP và xuất khẩu Quốc tế tại huyện Thanh Hà và TP Chí Linh.

+ Sâu bệnh hại trên cây ngô và các loại rau màu: Lưu ý các đối tượng như sâu keo mùa thu, sâu tơ, sâu xanh, rệp muội, bọ trĩ, bệnh sương mai, thán thư,...Khuyến cáo sử dụng các thuốc sinh học, chế phẩm Nano để phòng trừ sâu, bệnh nhằm đảm bảo năng suất cây trồng và an toàn thực phẩm. Tăng cường khuyến cáo nông dân sử dụng phân hữu cơ ủ mục với các chế phẩm sinh học hoặc vôi bột để làm giảm áp lực sâu bệnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại, cách nhận biết và biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng.

- Chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách cấp huyện để phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, đại lý thuốc bảo vệ thực vật cung ứng thuốc, vật tư đủ, kịp thời để phục vụ nhân dân; bán đúng loại thuốc dùng để phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại theo thông báo của cơ quan chuyên môn để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí. Không được khuyến cáo và bán kèm các loại thuốc không có trong thông báo của cơ quan chuyên môn.

- Bố trí đủ cán bộ chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật tại các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả.

- Thường xuyên báo cáo tình hình sâu bệnh, chuột hại về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phân công cán bộ lãnh đạo và kỹ thuật tăng cường về các địa phương để phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật điều tra, dự tính dự báo sâu, bệnh; thông báo chính xác, kịp thời tình hình sâu bệnh hại cây trồng, thời điểm phát sinh và hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng tổ chức dập dịch khi xảy ra.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các Đoàn kiểm tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh.

- Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.

3. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã đảm bảo tưới, tiêu hợp lý ở từng thời điểm để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao; đồng thời đảm bảo điều kiện cho công tác phòng trừ sâu, bệnh.

4. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan khác phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng năm 2020 đạt hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện , thị xã , thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các sở, ngành có liên quan;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo HD, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu: VT, Ô. Chính (30b).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Dương Thái

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.