Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 về tăng cường công tác phòng, trừ sâu ong hại cây mỡ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Nông Văn Chí
Ngày ban hành: 07/08/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 07 tháng 8 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, TRỪ SÂU ONG HẠI CÂY MỠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Từ giữa tháng 8/2011, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sâu Ong hại cây mỡ đã gây hại 17,4ha rừng mỡ tại xã Phong Huân và thị trấn Bằng Lũng huyện Chợ Đồn, đến đầu tháng 12/2011 sâu Ong gây hại lan sang các xã lân cận của huyện Chợ Đồn, tổng diện tích nhiễm sâu Ong là 149ha; năm 2012 diện tích rừng trồng mỡ bị sâu Ong gây hại là 678ha tại các huyện Chợ Đồn và Pác Nặm; Năm 2013 sâu Ong tiếp tục gây hại trên diện tích 1.288ha trên địa bàn 07 huyện, thị xã; từ đầu năm 2014 đến nay, sâu Ong hại cây mỡ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây hại tại 46 xã/07 huyện, thị xã với tổng diện tích nhiễm sâu Ong là 2.192ha.

Để phòng, trừ sâu Ong gây hại, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra và đôn đốc, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ như: Biện pháp thủ công: Xới đất diệt nhộng, bắt sâu non, ngắt bỏ ổ trứng; biện pháp hóa học: Rắc thuốc diệt nhộng, phun thuốc; biện pháp vật lý (treo bẫy vàng); khai thác rừng trồng đã đến tuổi.

Mặc dù các biện pháp diệt trừ sâu Ong đã thu được những kết quả nhất định nhưng hiện nay tình hình sâu Ong ngày càng diễn biến phức tạp và lan trên diện rộng. Để chủ động hơn nữa trong việc phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu Ong gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. UBND các huyện, thị xã

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cấp huyện, phân công rõ nhiệm vụ các thành viên trong Ban Chỉ đạo.

- Xây dựng, ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ trên địa bàn; huy động các nguồn lực để thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, trừ sâu Ong.

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ công tác phòng, trừ sâu Ong. Khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân tham gia tích cực và có hiệu quả trong công tác phòng, trừ sâu Ong, đồng thời nghiêm khắc kiểm điểm những tập thể, cá nhân không nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, trừ để sâu Ong lan ra diện rộng và gây thiệt hại đến sản xuất.

- Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và UBND các xã, phường, thị trấn cử cán bộ trực tiếp theo dõi, giám sát, phát hiện kịp thời tình hình phát sinh của sâu Ong, đề xuất các giải pháp phòng, trừ sâu Ong có hiệu quả.

- Huy động các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng, trừ sâu Ong.

- Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình dịch hại và công tác phòng trừ trên địa bàn về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để có phương án chỉ đạo, xử lý kịp thời.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch sâu Ong ăn lá mỡ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phân công cho cán bộ phối hợp với các huyện, UBND các xã trong vùng dịch theo dõi, giám sát và đề xuất biện pháp phòng trừ.

- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp tham mưu kịp thời các văn bản về phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ; làm tốt công tác dự tính, dự báo về sâu Ong hại cây mỡ trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh theo tuần, tháng, quý, năm; tham mưu đề xuất các biện pháp phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ.

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ trên địa bàn tỉnh và theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình sâu Ong hại cây mỡ.

3. Các Sở, Ngành có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu, các trường đại học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã để sớm tìm ra các biện pháp diệt trừ sâu Ong ăn hại cây mỡ một các triệt để.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã xây dựng chương trình cụ thể, tăng thời lượng phát sóng tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ; biểu dương kịp thời các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thực hiện chưa tốt các biện pháp phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ.

6. Các tổ chức đoàn thể: Từ tỉnh đến cơ sở phát động phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, đoàn viên ra quân hỗ trợ các xã, phường, thị trấn diệt trừ sâu Ong và tăng cường vận động nhân dân phòng, trừ sâu Ong hại cây mỡ.

Công tác phòng, trừ sâu Ong là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để dịch hại xảy ra trên địa bàn./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nông Văn Chí

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.