Chỉ thị 10/2003/CT-UB về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý và chống thất thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh năm 2003 trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 10/2003/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Hoàng Văn Nghiên |
Ngày ban hành: | 18/03/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thuế, phí, lệ phí, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2003/CT-UB |
Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNGTÁC QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ KHU VỰC KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH NĂM 2003 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Năm 2002, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành các Chỉ thị số 27/2002/CT-UB ngày 5/8/2002 về tăng cường công tác quản lý và chống thất thu thuế công thương nghiệp, dịch vụ - ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố và Chỉ thị số 33/2002/CT-UB ngày 22/11/2002 về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng và chống gian lận qua việc khấu trừ thuế, hoàn thuế. Do đó công tác thu thuế trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực. Kết quả thu thuế nội địa đạt được 16.140 tỷ đồng, hoàn thành toàn diện, vượt mức nhiệm vụ thu Ngân sách được giao, tăng thu so năm 2001 là 14%.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các luật thuế, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng một số quy định chưa chặt chẽ của Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật Doanh nghiệp để tìm cách trốn thuế, gian lận thuế. Qua kiểm tra cụ thể ở một số địa bàn và các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực ngoài quốc doanh thì hiện tượng thất thu thuế còn tương đối phổ biến; một số doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế, chiếm đoạt tiền thuế lớn, nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời.
Tình hình trên đã tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong việc thực hiện các Luật thuế, gây phức tạp về mặt xã hội, ảnh hưởng không tốt tới uy tín chính trị của Thủ đô.
Năm 2003, Thành phố Hà Nội được giao dự toán thu nội địa là 16.952 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với thực hiện năm 2002; trong đó thu từ khu vực kinh tế Ngoài quốc doanh là 800,2 tỷ đồng, tăng 26,5%. Để phấn đấu hoàn thành dự toán tu Ngân sách trên địa bàn, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các ngành trong công tác chống thất thu thuế, ngăn chặn các hành vi trốn lậu thuế, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, Ban, Ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị: số 27/2002/CT-UB ngày 5/8/2002, số 33/2002/CT-UB ngày 22/11/2002 của UBND Thành phố tập trung thực hiện tốt các công việc sau:
1. Cục Thuế Thành phố:
- Phối hợp với Báo Kinh tế Đô thị, Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách thuế, các hành vi vi phạm và chế tài xử lý các hành vị vi phạm về thuế để các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nắm đựoc và tự giác chấp hành. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các Luật thuế cần được phản ánh kịp thời trên Báo Kinh tê Đô thị, Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội.
- Phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục triển khai đề án mở rộng uỷ nhiệm thu thuế và các khoản thu khác cho Uỷ ban nhân dân các phường, xã, thị trấn theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đối tượng nộp thuế và chỉ đạo Chi cục Thuế các quận, huyện thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra hoàn thuế, kiểm tra việc sử dụng hoá đơn của các doanh nghiệp; đối chiếu xác minh hoá đơn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các trường hợp mua bán hoá đơn bất hợp pháp bị phát hiện.
- Báo cáo UBND Thành phố theo định kỳ hàng quý về tình trạng trốn thuế, nợ thuế, vi phạm chế độ hoá đơn chứng từ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời đối với các đối tượng nợ thuế lớn, cố tình dây dưa, chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế Thành phố thực hiện tốt các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, đăng ký nộp thuế... để công tác quản lý thu thuế có hiệu quả.
3. Sở Giao thông Công chính tiếp tục chỉ đạo các Trạm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội cung cấp cho Cục Thuế Thành phố danh sách các chủ phương tiện là cá nhân kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hoá để Ngành Thuế theo dõi quản lý thu thuế.
Khi các Trạm đăng kiểm tiếp nhận hồ sơ, ngoài các giấy tờ đã quy định phải yêu cầu chủ phương tiện xuất trình biên lai nộp thuế môn bài, thuế gia trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu chủ phương tiện chưa có biên lai nộp thuế thì các Trạm đăng kiểm thông báo cho Chi cục Thuế sở tại để thu thuế trước khi cấp phép lưu hành.
4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo Chi cục thuế quận, huyện và Uỷ ban nhân dân các phường, xã, thị trấn:
- Tiến hành rà soát tất cả các hộ kinh doanh trên địa bàn, để đưa vào quản lý thu thuế 100% số hộ có địa điểm kinh doanh cố định. Các trường hợp để sót hộ thu thuế cần được xem xét và kiểm điểm nghiêm túc.
- Tập trung chống thất thu đối với một số loại hình kinh doanh cá thể hiện nay chưa quản lý tốt như: kinh doanh vận tải, xây dựng nhà ở cho tư nhân, cho người lao động ngoại tỉnh và sinh viên thuê nhà, cho tư nhân thuê nhà làm cửa hàng - cửa hiệu, các dịch vụ dạy học, luyện thi...;
- Kiểm tra việc kê khai doanh thu, mức thuế của các nhà hàng ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ và các hoạt động dịch vụ trên địa bàn; đối chiếu với quy mô kinh doanh thực tế để ấn định doanh thu và mức thuế cho sát với hoạt động kinh doanh;
- Phối hợp tích cực với các ban, ngành có liên quan để thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế với các tổ chức, cá nhân cố tình dây dưa, chây ỳ;
5. Công an Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Toà án nhân dân Thành phố và các quận, huyện phối hợp thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời và nghiêm minh các vụ án vi phạm về thuế.
6. Sở Tài chính - Vật giá bố trí kinh phí cấp hỗ trợ cho Cục Thuế Thành phố để triển khai công tác quản lý và chống thất thu thuế đối với khu vực Ngoài quốc doanh.
Thủ trưởng các Sở , Ban, Ngành thuộc Thành phố và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc thi kịp thời báo cáo về Cục Thuế Thành phố để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét giải quyết./.
|
T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Chỉ thị 33/2002/CT-UB Về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng và chống gian lận do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 22/11/2002 | Cập nhật: 05/12/2009