Chỉ thị 10/2000/CT-TTg về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại
Số hiệu: | 10/2000/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Mạnh Cầm |
Ngày ban hành: | 26/04/2000 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 08/06/2000 | Số công báo: | Số 21 |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, điều ước quốc tế, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2000/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI
Ngày 13 tháng 6 năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VII) đã ra Chỉ thị số 11-CT/TW về "Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại", định hướng chỉ đạo hoạt động thông tin đối ngoại của ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 29 tháng 12 năm 1998, Thường vụ Bộ Chính trị đã ra thông báo số 188/TB-TW về công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta nhằm làm cho các nước, người nước ngoài (bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống, công tác tại Việt Nam), người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài hiểu về đất nước, con người Việt Nam, đường lối, chủ trương chính sách và thành tựu đổi mới của ta, trên cơ sở đó tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ sau Hội nghị tổng kết Chỉ thị 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VII) tháng 6/1998, các ngành, các cấp đã có nhiều hoạt động tích cực trên lĩnh vực thông tin đối ngoại, đạt được nhiều kết quả khả quan.
Nhìn chung, trong những năm qua công tác thông tin đối ngoại đã tiến hành có định hướng, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm. Bước đầu Nhà nước đã dành ngân sách thích đáng cho các hoạt động và dịch vụ thông tin đối ngoại, đổi mới và ngày càng hiện đại hoá hệ thống thông tin viễn thông và kết nối mạng Internet toàn cầu, tạo điều kiện cập nhật thông tin về Việt Nam đến mọi nơi trên thế giới. Đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại được tăng cường. Cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị thêm. Nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương về công tác thông tin đối ngoại có một bước chuyển biến mới.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới đất nước, công tác thông tin đối ngoại chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới và còn bộc lộ nhiều yếu kém mà Thông báo số 188/TB-TW ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thường vụ Bộ Chính trị về công tác thông tin đối ngoại đã chỉ rõ: "Chất lượng hiệu quả, tính thuyết phục, mức hấp dẫn và tính chiến đấu chưa cao. Đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này còn thiếu và chưa đồng đều cả về năng lực và trình độ, chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của thông tin đối ngoại trong toàn bộ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Việc xác định trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại có nhiều mặt chưa rõ, cho nên quản lý và phối hợp các lực lượng trong nước cũng như triển khai ở ngoài nước còn lúng túng. Đầu tư phân tán, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả".
Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh là một sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường, kết hợp có hiệu quả những nguồn lực, tiềm năng bên trong là chính với những nguồn lực bên ngoài mà quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế mang lại.
Với chức năng của mình, công tác thông tin đối ngoại phải tham gia tích cực và có hiệu quả nhất vào việc phát huy thuận lợi, tận dụng thời cơ, hạn chế tiêu cực, khắc phục yếu kém, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển của đất nước.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác thông tin đối ngoại càng trở nên bức thiết, cần phải được triển khai một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả với sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và các địa phương.
Quán triệt Chỉ thị số 11/CT-TW ngày 13 tháng 6 năm 1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) và Thông báo số 188/TB-TW ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thường vụ Bộ Chính trị, để làm tốt công tác thông tin đối ngoại, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các cấp thấu suốt và thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ sau đây:
I. PHƯƠNG CHÂM TRIỂN KHAI CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI:
1. Tất cả các Bộ, ngành, các địa phương, các cấp đều có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý của mình.
2. Công tác thông tin đối ngoại cần được triển khai toàn diện, rộng khắp, song có trọng tâm, trọng điểm, trước hết là đối với các nước láng giềng và trong khu vực, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; ưu tiên cung cấp thông tin đúng định hướng cho người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc, du lịch, học tập và các nhà Việt Nam học trên thế giới.
3. Tổ chức, phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại: giữa các lực lượng chuyên trách nòng cốt với các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài, các đoàn ra nước ngoài, người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài, cũng như bạn bè quốc tế; giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội; giữa hoạt động thông tin đối ngoại với hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa đối ngoại; giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân; giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương; giữa các cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp.
II. PHÂN CÔNG VỀ MẶT QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TỔ CHỨC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI:
1. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại.
2. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chính trong việc theo dõi tình hình và triển khai hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn ngoài nước.
3. Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại trong ngân sách Nhà nước hàng năm.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có nhiệm vụ:
a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại;
b) Tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại đối với các đối tượng có liên quan ở trong nước và ở nước ngoài.
III. PHƯƠNG HƯỚNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại về tầm quan trọng của công tác này trước mắt cũng như lâu dài.
2. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện và quản lý hoạt động thông tin đối ngoại nhằm phát huy tối đa mọi khả năng tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh và mở rộng công tác thông tin đối ngoại.
3. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, có trọng tâm trọng điểm để phục vụ công tác thông tin đối ngoại; chú ý đầu tư cho các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng, bao gồm cả báo chí điện tử, các cơ quan xuất bản; các cơ quan hợp tác và giao lưu văn hóa với nước ngoài.
IV. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI:
1. Thông tin đối ngoại có nhiệm vụ phổ biến rộng rãi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, những chủ trương quan trọng trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ...; bác bỏ những thông tin sai lệch, xuyên tạc về Việt Nam.
2. Đường lối và chính sách đối ngoại, bao gồm cả chính sách kinh tế đối ngoại; chủ trương nhất quán Việt Nam ''sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển''; yêu cầu và tiềm năng của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các nước trên nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của nhau.
3. Giới thiệu đất nước - con người, lịch sử và nền văn hoá lâu đời, phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.
V. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY:
Để đưa công tác thông tin đối ngoại vào nề nếp, các cấp, các ngành cần xây dựng các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, các quy chế quản lý thích hợp làm căn cứ chủ động triển khai. Cụ thể là:
1. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xây dựng:
a) Quy chế tổ chức và quản lý Nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp;
b) Quy chế phối hợp giữa các cơ quan: Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Ngoại giao, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương về xây dựng nội dung cũng như về kế hoạch triển khai hoạt động thông tin đối ngoại;
c) Xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn trong nước 2 năm 2000 - 2001;
d) Cùng Bộ Ngoại giao vạch kế hoạch cử tùy viên văn hoá ở một số cơ quan đại diện ngoại giao tại một số địa bàn cần thiết và kế hoạch xây dựng các cơ quan thường trú một số báo chí Việt Nam ở ngoài nước.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin và các Bộ, ngành liên quan xây dựng:
a) Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn ngoài nước;
b) Kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn ngoài nước 2 năm 2000 - 2001.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:
a) Phân bổ và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách sử dụng hợp lý và có hiệu quả kinh phí dành cho hoạt động thông tin đối ngoại;
b) Xây dựng chính sách trợ giá, trợ cước cho việc in ấn và phát hành các tài liệu (bao gồm cả sách) dùng cho thông tin đối ngoại.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng:
Kế hoạch đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật của thông tin đối ngoại, trước hết là các cơ quan chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại 2 năm 2000 - 2001.
5. Tổng cục Bưu điện, Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam xây dựng:
Kế hoạch của ngành mình (mỗi ngành có kế hoạch riêng) tham gia công tác thông tin đối ngoại 2 năm 2000 - 2001.
6. Các cơ quan thông tin - báo chí, xuất bản chuyên trách đối ngoại, các cơ quan truyền thông đại chúng: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo và tạp chí lớn, các cơ quan thông tin - báo chí khác vạch kế hoạch hàng năm về công tác thông tin đối ngoại của đơn vị mình.
7. Các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ xây dựng các đề án và kế hoạch cần hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2000.
VI. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN CHỦ TRÌ PHỐI HỢP VỚI BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO, BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH, BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, THỦ TRƯỞNG CÁC BỘ, NGÀNH CÓ LIÊN QUAN CHỊU TRÁCH NHIỆM HƯỚNG DẪN VÀ KIỂM TRA VIỆC THI HÀNH CHỈ THỊ VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
|
Nguyễn Mạnh Cầm (Đã ký)
|