Chỉ thị 09/2013/CT-UBND tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
Số hiệu: 09/2013/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: Nguyễn Bốn
Ngày ban hành: 22/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

Y BAN NHÂN DÂN
TNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 09/2013/CT-UBND

Đk Nông, ny 22 tháng 5 m 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội Khoá XI kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007.

Trong những năm qua, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động, viết tắt là XKLĐ) ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, bình quân mỗi năm xuất khẩu hơn 250 lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thực hiện xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình, nâng cao trình độ tay nghề và xây dựng tác phong công nghiệp cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, số lao động đi xuất khẩu còn ít so với tiềm năng lao động của tỉnh. Nguyên nhân vì vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc XKLĐ; công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này chưa chặt chẽ, chưa tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, chưa xem đây là một giải pháp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế của địa phương, thiếu chủ động trong việc phối hợp để tham mưu, đề xuất biện pháp đẩy mạnh công tác XKLĐ; chất lượng đội ngũ lao động xuất khẩu còn thấp, trình độ tay nghề, ngoại ngữ chưa đáp ứng nhu cầu của công nghệ sản xuất hiện đại, ý thức kỷ luật chưa cao, một số trường hợp tự ý bỏ trốn về nước hoặc sinh sống bất hợp pháp tại nước sở tại, ảnh hưởng đến uy tín chung của lao động Việt Nam; một số doanh nghiệp làm nhiệm vụ XKLĐ chưa thực hiện đúng các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác về quyền, nghĩa vụ khi người lao động đi xuất khẩu… Thời gian gần đây, số lượng lao động của tỉnh đi xuất khẩu đã giảm dần, đặc biệt là tại thị trường Malaysia, trong khi thị trường này đã được xác định là thị trường quan trọng, tiềm năng.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân, người lao động biết đầy đủ thông tin về chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ, quyền lợi, trách nhiệm, thu nhập… của người lao động khi đi xuất khẩu.

Phải xác định công tác XKLĐ là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội to lớn; là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh có trách nhiệm:

- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác XKLĐ trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người lao động đi xuất khẩu theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu những giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác XKLĐ và hướng dẫn các địa phương, người lao động thực hiện.

- Rà soát, lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực; thị trường xuất khẩu lao động được ổn định, phù hợp với trình độ người lao động để thông báo cho các huyện, thị xã cho phép tuyển lao động trên địa bàn đi xuất khẩu.

- Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng Kế hoạch XKLĐ, trình Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh xem xét, phê duyệt; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác này cho cán bộ quản lý ở các địa phương; hướng dẫn kịp thời về chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động khi đi xuất khẩu và tiêu chuẩn, điều kiện để được đi… để các địa phương biết, chủ động thực hiện.

- Phối hợp tổ chức đào tạo ngoại ngữ, đào tạo tay nghề cho người lao động phù hợp với yêu cầu tiếp nhận lao động ở từng quốc gia. Chú trọng công tác giáo dục định hướng, giáo dục luật pháp Việt Nam, luật pháp, phong tục tập quán của quốc gia mà người lao động đến làm việc.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật; thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền giới thiệu cho học sinh khối 12 thuộc các trường trung học phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh về chính sách, pháp luật và mục tiêu, kế hoạch xuất khẩu lao động.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã tổ chức tiếp nhận và hướng dẫn người lao động về thủ tục làm hộ chiếu, chứng minh nhân dân; đồng thời công khai việc thu lệ phí để người dân, người lao động biết, phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, môi giới, cò mồi trong việc làm hộ chiếu, chứng minh nhân dân cho người đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng việc thực hiện chính sách lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để hoạt động sai quy định.

5. Sở Y tế

- Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế cấp huyện tổ chức khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người lao động nhanh chóng, kịp thời (sơ khám ban đầu).

- Chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận là cơ sở đủ điều kiện khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động của địa phương khi làm các thủ tục về khám sức khỏe đi xuất khẩu.

6. Sở Tư pháp

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tiếp nhận và hướng dẫn người lao động về thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực giấy tờ và thực hiện trợ giúp pháp lý cho người lao động thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật.

7. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ, cho vay xuất khẩu lao động, kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và kinh phí chi cho công tác tuyên truyền.

8. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh

Chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn đi xuất khẩu theo chính sách hỗ trợ của nhà nước.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông

Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương về công tác XKLĐ để nhân dân, người lao động, đặc biệt lao động ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ về quyền lợi khi đi xuất khẩu.

10. Thành viên Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh với chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các địa bàn được phân công phụ trách phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác XKLĐ trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của người lao động khi đi xuất khẩu.

11. Đề nghị các tổ chức đoàn thể

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể cấp dưới quan tâm động viên, giúp đỡ đoàn viên, hội viên đi XKLĐ.

12. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh

Hàng năm, lấy chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch XKLĐ làm một trong những tiêu chí chấm điểm thi đua cho các huyện, thị xã về mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, hàng năm, tổ chức xét những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác này tại địa phương để biểu dương, khen thưởng kịp thời theo chế độ hiện hành.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

- Kiện toàn Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động; không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo; đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết việc làm - xuất khẩu lao động của địa phương; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động; xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện.

- Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu và có giải pháp thực hiện cụ thể, phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên đôn đốc thực hiện công tác XKLĐ đạt hiệu quả.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu thị trường xuất khẩu để người lao động lựa chọn đăng ký tham gia; hỗ trợ người lao động hoàn thiện các thủ tục đi xuất khẩu.

- Phối hợp với các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý hoạt động XKLĐ trên địa bàn.

- Phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo dõi tình hình lao động của địa phương khi đang đi xuất khẩu, tuyên truyền để người lao động tự giác chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại và trở về địa phương khi kết thúc thời hạn làm việc ở nước ngoài.

14. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Các doanh nghiệp được phép tuyển lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đi XKLĐ chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thị xã trong công tác tuyên truyền, tuyển chọn, đưa lao động đi xuất khẩu; tổ chức thông tin đầy đủ về tiêu chuẩn, ngành nghề, thị trường lao động nước ngoài; tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng, đưa lao động xuất cảnh đúng thời hạn, bảo đảm chế độ, quyền lợi cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết; phối hợp, cung cấp thông tin về tình hình lao động của địa phương ở nước ngoài; chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động XKLĐ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Giám đốc các doanh nghiệp XKLĐ nghiêm túc triển khai Chỉ thị này và định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM.Y BAN NHÂN N
KT. CHỦ TCH
PCHỦ TCH




Nguyễn Bn

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.