Chỉ thị 09/2002/CT-UB về đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 55 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2002) do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 09/2002/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Nguyễn Thành Tài |
Ngày ban hành: | 26/04/2002 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Chính sách xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN HÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2002/CT-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 04 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CHĂM SÓC THƯƠNG BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG NHÂN KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2002)
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh xương máu cho đất nước, đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chính sách chế độ của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ ; tổ chức nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động được sự tham gia đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố vào việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ; giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội trên địa bàn thành phố. Đã có nhiều tập thể, cá nhân là thương binh, người có công phát huy tốt truyền thống, đạt được nhiều thành tích và thành công trên nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.
Để thực hiện có hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã xác định : “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương trên cơ sở kết hợp ba nguồn lực : Nhà nước, cộng đồng và bản thân đối tượng chính sách tự vươn lên” ; Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 01/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh liệt sĩ-người có công với Cách mạng và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới và công văn số 169/CV-TU ngày 06/3/2002 của Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TW của Ban chấp hành Trung ương ; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức kinh tế-xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 55 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1949-27/7/2002) với các nội dung chính như sau :
1- Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác thương bệnh binh-liệt sĩ; về truyền thống dân tộc và những thành quả đạt được qua 27 năm thực hiện chính sách thương bệnh binh-liệt sĩ người có công trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Xây dựng phim phóng sự tài liệu về công tác thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công, về phong trào Đền ơn đáp nghĩa, về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
2- Tiến hành tổng kết 6 năm thực hiện Pháp lệnh người có công trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó đánh giá những việc làm được, chưa làm được ; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực trong việc thực hiện chính sách người có công. Xây dựng Chương trình hành động cụ thể để làm tốt công tác thương bệnh binh-liệt sĩ trong những năm tiếp theo.
3- Giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong việc thực hiện chính sách đối với thương bệnh binh-gia đình liệt sĩ. Phấn đấu từ nay đến ngày 27/7/2002 hoàn thành công tác xác nhận đối với người có công trong 3 thời kỳ ; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những trường hợp sai sót hoặc vi phạm chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
Tổ chức chu đáo việc thăm hỏi tặng quà động viên các gia đình thương binh-liệt sĩ, viếng các bia đài và nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày thương binh-liệt sĩ 27/7/2002. Tiếp tục phát động việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tổ chức quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.
4- Đẩy mạnh các phong trào chăm lo đời sống đối với thương bệnh binh-gia đình liệt sĩ theo phương châm xã hội hóa sự nghiệp chăm sóc thương bệnh binh-gia đình liệt sĩ :
- Cần có quy chế ưu đãi trong dạy nghề và bố trí giải quyết việc làm cho thương binh, con liệt sĩ, con thương binh. Phấn đấu đến ngày 27/7/2002, cố gắng giải quyết được 70% số thương binh, con liệt sĩ, con thương binh có nhu cầu về học nghề và bố trí việc làm.
- Thực hiện tốt chính sách ưu đãi học tập đối với thương bệnh binh và con liệt sĩ- con thương binh. Phấn đấu không để con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh bị thất học.
- Tổ chức phát động xây dựng quỹ “đền ơn đáp nghĩa” ở cả 3 cấp phường-xã, quận-huyện, thành phố. Phấn đấu đến ngày 27/7/2002 cấp thành phố có số dư 5 tỷ đồng, cấp quận huyện là 10 tỷ đồng và cấp phường xã là 4 tỷ đồng.
- Tiếp tục vận động phụng dưỡng, đỡ đầu, giúp sổ tiết kiệm đối với thương bệnh binh nặng ; cha mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ, con thương bệnh binh nặng chưa trưởng thành có hoàn cảnh khó khăn để có thêm thu nhập.
- Tiếp tục vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương ; sửa chữa chống dột cho các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh thực sự khó khăn cần được giúp đỡ.
5- Thành phố tổ chức mít tinh trọng thể nhân kỷ niệm 55 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Nhân dịp này biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp trong phong trào chăm sóc thương bệnh binh-gia đình liệt sĩ ở cả 3 cấp phường-xã, quận-huyện và thành phố.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc, các Đoàn thể và Ủy ban nhân dân quận-huyện tổ chức bình xét đề nghị khen thưởng những đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho việc chăm lo đời sống thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
6- Về tổ chức thực hiện :
6.1. Sở Văn hóa -Thông tin phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có kế hoạch triển khai cho các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố cũng như các đoàn nghệ thuật đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động biểu diễn phục vụ nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Thương binh-liệt sĩ.
6.2 Sở Tài chính-Vật giá giải quyết kinh phí nhằm đảm bảo cho các hoạt động kỷ niệm được tiến hành tốt trên tinh thần tiết kiệm, tránh phô trương hình thức.
6.3- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các Sở-Ngành chức năng liên quan của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận : |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 08/CT-TW năm 1982 về việc tăng cường lãnh đạo và quản lý công tác xuất bản Ban hành: 14/09/1982 | Cập nhật: 17/09/2014