Chỉ thị 09/1998/CT-TTg về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng
Số hiệu: 09/1998/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Công Tạn
Ngày ban hành: 18/02/1998 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 31/03/1998 Số công báo: Số 9
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/1998/CT-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH DIỆT TRỪ CHUỘT BẢO VỆ MÙA MÀNG

Trong những năm gần đây nạn dịch chuột phá hoại mùa màng xảy ra hết sức nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, ngày một gia tăng và có nguy cơ tiềm ẩn tác hại lớn không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp, kho tàng, đời sống từng hộ dân và dịch bệnh xã hội; chuột đã gây hại nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng (lúa, rau, màu) và có chiều hướng phát triển trên phạm vi cả nước. Năm 1996 diện tích cây trồng bị chuột gây hại khoảng 262 ngàn ha, năm 1997 chỉ tính ở 52 tỉnh, thành đã có khoảng 375 ngàn ha lúa và các loại cây trồng khác bị chuột gây hại, trong đó có hàng ngàn ha bị nặng và nhiều diện tích cây trồng bị mất trắng.

Để khống chế nạn dịch chuột, hạn chế mức độ sinh sản của chuột và giảm tác hại do chúng gây ra tới mức thấp nhất, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1- Các Bộ, ngành và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 359/TTg ngày 29 tháng 5 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, đây là biện pháp sâu xa, cơ bản, lâu dài để hạn chế sự phát triển cùa chuột, trước mắt nghiêm cấm ngay việc săn bắt các loài thiên địch của chuột như mèo, trăn, rắn, chim cú... để xuất khẩu, làm thực phẩm, khuyến khích và phát động phong trào nuôi mèo, bảo vệ mèo trong toàn dân.

2- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thường xuyên, liên tục các chiến dịch diệt chuột bằng mọi biện pháp mà Bộ đã hướng dẫn, trong đó chủ yếu áp dụng các biện pháp dân gian, cơ học như: đào bắt, đặt bẫy, dùng bẫy dính..., và dùng thuốc diệt chuột sinh học; hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường để diệt chuột, tuyệt đối không được dùng dòng điện để diệt chuột.

- Tổ chức sản xuất thuốc diệt chuột sinh học đáp ứng yêu cầu lâu dài, thường xuyên của nạn dịch này, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, các ngành hữu quan tiến hành nghiên cứu bổ sung về chuột hại và các biện pháp phòng trừ chuột hại mùa màng tại một số vùng trọng điểm để nhanh chóng tìm ra các biện pháp phòng trừ có hiệu quả và an toàn để kịp thời phổ biến cho các địa phương áp dụng.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phòng trừ chuột đạt hiệu quả cao và an toàn trong nhân dân, biểu dương những địa phương làm tốt, phê phán uốn nắn những địa phương làm chưa tốt, chưa tận dụng hết mọi khả năng, nội lực và kinh nghiệm trong dân để diệt chuột hoặc thờ ơ chưa quan tâm đến nạn chuột hiện nay.

3- Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai công tác phòng trừ chuột bảo vệ mùa màng ở địa phương mình, tổ chức và huy động mọi lực lượng tham gia thường xuyên kết hợp với việc tổ chức những đợt huy động tập trung để diệt chuột, có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để khôi phục lại và phát triển nghề nuôi mèo trong dân, kể cả ở nông thôn và thành thị, có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán ăn bằng thịt mèo (tiểu hổ), xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, vận chuyển mèo và buôn bán mèo qua biên giới, hạn chế đến mức thấp nhất việc kinh doanh các món ăn đặc sản từ rắn, ếch, trăn và các động vật khác từ thiên nhiên có khả năng diệt chuột.

4- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và có biện pháp bảo vệ các loại sinh vật có ích trong thiên nhiên (trăn, rắn, chim cú...) giúp con người diệt chuột, lập lại cân bằng sinh thái.

5- Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và có biện pháp tổ chức diệt chuột trong thành phố, các khu dân cư, kho tàng, nơi công cộng bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả cao.

6- Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu các loại thiên địch của chuột và xử lý thật nghiêm các vi phạm về săn bắt các thiên địch của chuột để xuất khẩu và làm thực phẩm, đặc biệt cấp bách hiện nay là việc săn bắt trộm, vận chuyển và buôn bán mèo qua biên giới, các cửa hàng đặc sản về thịt mèo.

7- Các tổ chức đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân; các lực lượng vũ trang, các trường phổ thông cơ sở cần vận động đoàn viên, hội viên, chiến sĩ, học sinh tham gia diệt chuột.

Nạn dịch chuột đang là báo động trước mắt, nếu không được nhận thức đúng đề phòng trừ sẽ có tác hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, và môi trường sinh thái; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện thật nghiêm túc Chỉ thị này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện ở từng địa phương và trách nhiệm của các ngành trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.