Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2018 về nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: 08/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Đặng Minh Thông
Ngày ban hành: 25/05/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tôn giáo, tín ngưỡng, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 25 tháng 5 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều chuyển biến tích cực; các tôn giáo hoạt động cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật, các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, thực hiện “sống tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, tích cực đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước tín ngưỡng, tôn giáo được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn có những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp: việc khiếu kiện, khiếu nại xin lại, đòi lại cơ sở nhà đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo chưa được giải quyết dứt điểm, tệ nạn mê tín dị đoan, xuất hiện tôn giáo mới, tổ chức truyền đạo trái pháp luật; xây dựng cơ sở thờ tự, tạo lập cơ sở tôn giáo, chuyển nhượng quyền sử dụng đất diễn ra phức tạp, lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái phép, tuyên truyền kích động và các vấn đề khác có liên quan. Nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện. Công tác tôn giáo ở một số ngành, một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, do đó khi xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo thì giải quyết chưa kịp thời, chính xác. Việc cập nhật, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo và nhân dân chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, dẫn đến việc hiểu chưa đúng, chưa đủ về chủ trương, đường lối của đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, từ đó dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, xuyên tạc gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tăng cường và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Tiếp tục tăng cường quán triệt sâu rộng, nghiêm túc các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tập trung triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định liên quan trong hệ thống chính trị, trong chức sắc, tín đồ tôn giáo và trong toàn xã hội. Quan tâm tuyên truyền trên các báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng và trong các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, qua đó nâng cao nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhằm làm cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân hiểu, nắm rõ và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Xác định công tác tôn giáo là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cả hệ thống chính trị và cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, tranh thủ sự ủng hộ và giữ mối liên hệ gắn bó, đoàn kết với đội ngũ chức sắc, chức việc, tu sĩ, nhà tu hành các tôn giáo.

2. Giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố cụ thể như sau:

a) Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết, xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tôn giáo; xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán trong chức sắc, chức việc, tu sĩ, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến hoạt động tôn giáo.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; trong công tác vận động chức sắc, chức việc.

- Định kỳ gặp gỡ, hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Tòa Giám mục giáo phận Bà Rịa, Ban Đại diện, Đại diện các tổ chức tôn giáo cấp tỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; tham mưu nội dung để lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức tôn giáo trong những trường hợp cần thiết; giúp UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp, hội nghị đánh giá việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh, huyện, xã theo quy định; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo, chú ý đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo hợp pháp, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định Luật Đất đai; phối hợp với Sở Nội vụ, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất có liên quan đến các tổ chức, cơ sở tôn giáo.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành chức năng có liên quan và địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết việc giao đất cho các tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật; kịp thời xử lý, giải quyết những vụ việc khiếu kiện, khiếu nại về đất đai liên quan đến các tổ chức tôn giáo.

c) Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp nhận hồ sơ liên quan đến việc xây dựng công trình tôn giáo của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Xây dựng.

- Phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, kiến trúc các công trình tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng trước và sau cấp phép nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, sửa chữa các công trình tín ngưỡng, tôn giáo để phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan và các địa phương ngăn chặn, xử lý.

d) Sở Tư pháp: phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

đ) Công an tỉnh:

- Chủ động nắm bắt tình hình, có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống những phần tử xấu, cực đoan lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng nòng cốt trong chức sắc, chức việc, tu sĩ, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng có đông đồng bào các tôn giáo. Phối hợp với Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan trong việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và tham gia xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong tôn giáo, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Xem xét có ý kiến về tư cách công dân khi chức sắc, tu sĩ thuyên chuyển, phong phẩm, bổ nhiệm và những vấn đề về an ninh trật tự khi các cơ sở tôn giáo đăng ký tổ chức các cuộc lễ nghi tôn giáo.

- Chủ động phối hợp nắm tình hình việc tu sĩ, chức sắc mua đất đứng tên cá nhân, xây dựng cơ sở tôn giáo trái phép, lấn chiếm đất đai, làm công tác xã hội và các hoạt động trái pháp luật khác. Qua đó, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố) làm tốt công tác quản lý nhà nước, xử lý việc xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai hoặc việc tổ chức tôn giáo làm công tác xã hội không đúng quy định của pháp luật.

- Làm tốt công tác đăng ký, quản lý cư trú của chức sắc, tu sĩ trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với các cơ sở tôn giáo, phối hợp với chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) kịp thời lập biên bản, xác nhận trẻ bị bỏ rơi tại cổng các cơ sở tôn giáo.

e) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: quản lý chặt chẽ diện tích đất sử dụng vào mục đích quốc phòng; tổ chức khoanh vùng, cắm mốc, đặt biển báo rõ ràng, cụ thể, không để các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành lấn chiếm, sử dụng vào mục đích tôn giáo cũng như mục đích khác, đóng góp ý kiến về mặt ảnh hưởng đến quốc phòng đối với việc xây dựng công trình của các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo và tham mưu đề xuất cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Tham mưu cho Hội đồng giáo dục Quốc phòng và An ninh tỉnh mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức Quốc phòng và An ninh cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo.

g) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình địa bàn, đặc biệt là tại các cơ sở thờ tự, tôn giáo, các khu du lịch, bãi tắm để kịp thời phát hiện, tham mưu cho các cấp chính quyền ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động mê tín dị đoan, cơi nới, xây dựng cơ sở thờ tự trái phép; lợi dụng du lịch, cắm trại để tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt đạo trái pháp luật ở khu vực biên giới, biển đảo; chỉ đạo các Đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đối tượng chống đối lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để chống phá cách mạng nước ta.

h) Sở Văn hóa và Thể thao: chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường quản lý văn hóa, hoạt động văn hóa có liên quan đến tôn giáo; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có liên quan đến tôn giáo theo quy định; phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thông suốt việc quản lý, sử dụng, cải tạo, nâng cấp các công trình thuộc cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hoá, danh lam, thắng cảnh phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về di sản, văn hóa và pháp luật có liên quan; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có kế hoạch cụ thể để duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đặc biệt là khu dân cư ở vùng đồng bào có đạo.

i) Sở Du lịch: chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý tốt các cơ sở kinh doanh du lịch. Thường xuyên quan tâm nhắc nhở, giám sát, phát hiện kịp thời các cơ sở kinh doanh du lịch không để tổ chức, cá nhân lợi dụng du lịch hoặc lồng ghép hoạt động du lịch để tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt, hoạt động tôn giáo trái pháp luật; kịp thời phát hiện những hoạt động xây dựng công trình tôn giáo trái pháp luật và có biện pháp xử lý.

k) Sở Giáo dục và Đào tạo: tăng cường hướng dẫn, quản lý việc mở các loại hình trường lớp do các tổ chức tôn giáo bảo trợ hoặc đứng tên phụ trách (là tu sĩ nhưng đứng tên công dân để mở các loại hình trường lớp) theo các quy định của pháp luật về giáo dục và các quy định khác. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đối với các cơ sở giáo dục có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo.

l) Sở Thông tin và Truyền thông: định hướng nội dung tuyên truyền, đấu tranh phê phán, bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những thành tựu trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Nhà nước ta; tuyên truyền đấu tranh phê phán, bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc xuất bản, in ấn, xuất khẩu, nhập khẩu các kinh sách của các tổ chức tôn giáo (đặc biệt là các văn hóa phẩm xuất bản in ấn trái pháp luật của các tổ chức tôn giáo chưa được pháp luật công nhận là tổ chức tôn giáo hoạt động trên địa bàn tỉnh).

m) Sở Y tế: hướng dẫn kiểm tra, quản lý tốt việc mở cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bốc thuốc nam từ thiện của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

n) Sở lao động - Thương binh và Xã hội: hướng dẫn, kiểm tra và quản lý tốt việc tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia công tác từ thiện xã hội, dạy nghề, mở cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

o) Sở Ngoại vụ: nghiên cứu chính sách đối ngoại về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước để phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan quản lý các hoạt động đối ngoại của các tôn giáo theo quy định; động viên, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động quốc tế phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Theo dõi và đề xuất chủ trương quản lý các hoạt động của các cá nhân, tổ chức từ nước ngoài vào hoạt động tài trợ, bảo trợ, các hoạt động nhân đạo từ thiện liên quan đến tôn giáo.

ô) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt diện tích quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp hiện có.

- Chỉ đạo các Ban Quản lý rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) thường xuyên tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn, địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn; loại bỏ ngay công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp theo Chỉ thị số 10/CT- UBND ngày 15/3/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời xử lý các hành vi lấn chiếm đất rừng khai thác, sử dụng mục đích khác trái phép ngay tại gốc; đối với công trình tôn giáo đã xây dựng trước đây chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh từng bước xử lý dứt điểm.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm bố trí, phân công công chức Kiểm lâm, đảm bảo tất cả các xã, phường, thị trấn có rừng trên địa bàn tỉnh đều có công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn, làm nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có rừng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn theo quy định.

ơ) Thanh tra tỉnh: phối hợp với Sở Nội vụ, các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc tham mưu xử lý các vụ khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến tôn giáo, nhằm ngăn ngừa phát sinh tình hình phức tạp “điểm nóng” về tôn giáo (nếu có) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được pháp luật quy định hoặc được UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

p) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo trên địa bàn, trong đó, quản lý chặt chẽ việc các tổ chức tôn giáo chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tạo lập cơ sở tôn giáo trái pháp luật; định kỳ gặp gỡ đối thoại với những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo theo phân cấp quản lý; rà soát, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn; bố trí cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo là những người có năng lực, bản lĩnh chính trị, chú ý những cán bộ, công chức đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành công tác tôn giáo; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo cấp huyện và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, phối hợp, giải quyết hồ sơ của các tôn giáo đúng quy trình, đúng thời gian theo quy định của pháp luật.

- Địa phương nào để xảy ra việc sinh hoạt, hoạt động tôn giáo trái pháp luật; xây dựng trái phép các công trình có yếu tố tôn giáo, công trình phụ trợ phục vụ cho sinh hoạt, hoạt động tôn giáo; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tạo lập cơ sở tôn giáo trái phép thì chính quyền địa phương đó chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và cấp ủy, chính quyền cấp trên; đồng thời, xem đó là tiêu chí để đánh giá thi đua cuối năm.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở bảo trợ xã hội do các tổ chức tôn giáo thành lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện, thị xã, thành phố, có biện pháp và kiên quyết xử lý đối với những cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định hiện hành.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội: chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác vận động thành viên, hội viên, quần chúng là tín đồ tôn giáo; vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo đoàn kết, gắn bó với cộng đồng, “sống tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

4. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo phải được tiến hành đồng bộ, mọi vấn đề phát sinh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, các sở, ban, ngành phải kịp thời trao đổi, phối hợp với cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh trước khi xử lý, không để tình trạng đùn đẩy, thiếu thống nhất.

5. Những vấn đề tôn giáo phát sinh, nhất là các vấn đề phức tạp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kịp thời báo cáo, thông tin về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để kịp thời chỉ đạo, xử lý. Trong quá trình giải quyết các vấn đề tôn giáo cần đặc biệt coi trọng công tác tranh thủ vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo, tuân thủ pháp luật, kết hợp các biện pháp quản lý hành chính nhà nước một cách hài hòa, đảm bảo lợi ích của người có đạo, không có đạo, lấy vận động là chính.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 25/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đồng thời tổng hợp những vấn đề phát sinh, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Thông

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.