Chỉ thị 08/CT-UB năm 1989 tổ chức thực hiện Điều lệ đăng ký, quản lý hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 08/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Lê Quang Chánh |
Ngày ban hành: | 30/03/1989 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Hành chính tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UB |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 3 năm 1989 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ KHẨU TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Đăng ký và quản lý hộ khẩu là biện pháp quan trọng của Nhà nước để quản lý xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xác định việc cư trú hợp pháp để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Để thực hiện tốt điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu ban hành theo nghị định số 04/NĐ ngày 7/01/1988 của Hội đồng Bộ trưởng; Thông tư số 05/TT ngày 4/6/1988 của Bộ Nội vụ và căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu ở thành phố như sau :
I.- NHỮNG NGƯỜI THUỘC DIỆN ĐƯỢC XÉT CHUYỂN ĐẾN THƯỜNG TRÚ TẠI THÀNH PHỐ:
1/ Người trước đây đã có hộ khẩu thường trú tại thành phố đi bộ đội, công tác, lao động, học tập ở nơi khác-kể cả trong nước và ngoài nước, sau khi hết hạn được cấp có thẩm quyền điều động về công tác tại các cơ quan của thành phố, các đơn vị trung ương trú đóng hợp pháp tại thành phố, hoặc nghỉ hưu, nghỉ mất sức, phục viên, xuất ngũ về gia đình, thôi việc, nghỉ học về lại thành phố.
2/ Người già yếu hết tuổi lao động, không còn nơi nương tựa nào khác xin về thành phố ở với vợ hoặc chồng, hoặc ở với các con có hộ khẩu thường trú tại thành phố.
3/ Người dưới 18 tuổi chưa tự lập được và người bị bệnh tật không còn khả năng lao động, không còn nơi nuôi dưỡng nào khác xin về ở với cha, mẹ, ông, bà hoặc anh, chị, em ruột là nhân khẩu thường trú tại thành phố.
4/ Người mới kết hôn sau ngày 7/01/1988 đến ở với vợ, hoặc chồng là nhân khẩu thường trú tại thành phố.
5/ Cán bộ, công nhân viên công tác ở các tỉnh giáp ranh, hàng ngày về ở với vợ hoặc chồng là nhân khẩu thường trú tại thành phố.
6/ Người là nhân khẩu thường trú tại thành phố bị bắt buộc lao động tập trung ở các trường giáo dục lao động công nông nghiệp, bị tập trung giáo dục cải tạo, bị ở tù khi hết hạn không bị cấm cư trú tại thành phố, được trường trại cho về thành phố.
7/ Cán bộ, công nhân viên (bao gồm cả công nhân quốc phòng và công nhân trong công an), học sinh tốt nghiệp các trường đại học sau khi có sự thỏa thuận của Ban Tổ chức chánh quyền thành phố (đối với cán bộ), của Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố (đối với công nhân), được cấp có thẩm quyền quyết định điều động công tác tại thành phố.
8/ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân trú đóng tại thành phố, hàng ngày sau giờ làm việc thường xuyên về ở với vợ hoặc chồng là nhân khẩu thường trú tại thành phố.
II.- MỘT SỐ ĐIỂM CHÍNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC GIẢI QUYẾT THƯỜNG TRÚ :
1/ Việc điều động cán bộ, công nhân viên ở địa phương khác đến thành phố cần hết sức hạn chế trên cơ sở ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ. Chỉ điều động đến thành phố các loại lao động mà thành phố không đáp ứng được.
Các đơn vị-kể cả các đơn vị trung ương tại thành phố có nhu cầu điều động thêm cán bộ, công nhân viên cần làm việc trước với Ban Tổ chức chánh quyền thành phố (đối với cán bộ), với Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố (đối với công nhân) để lấy người tại chỗ. Trường hợp Ban Tổ chức chánh quyền và Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố không có người đáp ứng yêu cầu, sẽ thỏa thuận tiếp nhận từng trường hợp cụ thể nếu người được điều đến thành phố có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên, hoặc có mức lương từ 390đ trở lên, hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc 5/7 trở lên và sức khỏe có thể làm việc tại thành phố từ 5 năm trở lên.
Sau khi có sự thỏa thuận của Ban Tổ chức chánh quyền hoặc của Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố, các đơn vị mới tiến hành các thủ tục về điều động.
Ban Tổ chức chánh quyền và Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố được từ chối tiếp nhận các trường hợp đã điều động trước rồi mới đề nghị sau.
2/ Người đi nghĩa vụ quân sự, đi hợp tác lao động ở địa phương nào, khi hết hạn trở về địa phương đó để thực hiện chính sách và bố trí việc làm. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố và Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố được từ chối tiếp nhận và không xem xét xác nhận thỏa thuận các trường hợp người của các địa phương khác.
3/ Không tiếp nhận những người có từ 3 con trở lên đều dưới 18 tuổi hoặc có con đã trưởng thành đi kèm theo cha mẹ (theo quyết định số 162/HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng).
4/ Đăng ký hộ khẩu và chủ quyền về nhà ở là hai vấn đề khác nhau. Khi đăng ký cư ngụ tại nhà nào, phải có giấy tờ hợp pháp về nhà đó. Tuy nhiên, để chủ động ngăn ngừa các trường hợp tranh chấp, không an toàn, không giải quyết đăng ký hộ khẩu vào những khu vực và nhà ở dưới đây :
- Nhà do Nhà nước quản lý nhưng chưa có quyết định phân phối để ở, nhà đang tranh chấp, nhà hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ.
- Nhà thuộc trụ sở cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, trường học, bệnh viện…
- Khu vực Nhà nước không cho người đến cư trú hoặc đã công bố “quyết định giải tỏa mặt bằng”.
Ngành quản lý nhà đất và công an cần quan hệ chặt chẽ với nhau khi xem xét giải quyết cụ thể.
5/ Theo quy định của điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu và thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ các đơn vị có cán bộ, công nhân viên theo chế độ lưu trú, tạm trú dài hạn cần làm việc với Ban Tổ chức chánh quyền thành phố (đối với cán bộ, nâhn viên), hoặc Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố (đối với công nhân) để xem xét giải quyết theo chế độ thường trú có thời hạn và chấp hành nghiêm theo thời hạn đã quy định.
Chế độ thường trú có thời hạn áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên ở nơi khác đến thành phố công tác học tập trên 6 tháng rồi về địa phương cũ (dưới 6 tháng giải quyết tạm trú). Thời hạn được ấn định chung là 12 tháng. Quá thời hạn trên, nếu cần ở lại thành phố để hoàn thành công việc thì cơ quan chủ quản có đề nghị và sẽ được xem xét gia hạn thêm. Riêng đối với học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghjiệp, công nhân từ nơi khác đến thành phố học tập giải quyết thường trú có thời hạn theo khóa học của nhà trường.
Người thường trú có thời hạn không được mua nhà ở thành phố, không được chuyển gia đình đến cư ngụ tại thành phố.
III.- PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN :
Để hợp lý hóa tổ chức và kết hợp chặt chẽ các mặt công tác : Việc điều động bổ sung lao động từ nơi khác đến với việc sử dụng bố trí lao động tại chỗ và việc đăng ký quản lý hộ khẩu, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục, thuận lợi cho nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm như sau :
1/ Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố được ủy quyền xem xét, xét duyệt đề nghị của các đơn vị xin điều động cán bộ ở các địa phương khác về làm việc tại thành phố, cấp giấy thỏa thuận cụ thể cho những trường hợp đúng quy định để cán bộ làm thủ tục đăng ký hộ khẩu với công an quận, huyện nơi xin thường trú.
2/ Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội được ủy quyền xem xét, xét duyệt đề nghị của các đơn vị xin điều động công nhân kỹ thuật (kể cả công nhân quốc phòng và công nhân trong ngành công an), ở các địa phương khác về làm việc tại thành phố ; xét duyệt các trường hợp xin nghỉ hưu, nghỉ mất sức tại thành phố; cấp giấy thỏa thuận cụ thể những trường hợp đúng quy định để công an quận, huyện lập thủ tục đăng ký hộ khẩu.
3/ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố xác nhận người thành phố hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về để công an quận, huyện giải quyết đăng ký hộ khẩu, xác nhận sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp thuộc các đơn vị quân đội đóng tại thành phố xin đăng ký hộ khẩu với gia đình để công an quận, huyện xét, giải quyết theo quy định.
4/ Giám đốc Công an thành phố được ủy quyền xem xét, xét duyệt đơn của nhân dân ở các địa phương khác xin đến thường trú ở thành phố, đơn của người đang sống ở các huyện ngoại thành xin chuyển về thường trú ở các quận nội thành; cấp giấy thỏa thuận để công an quận, huyện giải quyết lập thủ tục đăng ký hộ khẩu.
Ngoài việc xét duyệt theo ủy quyền trên đây, Giám đốc Công an thành phố cần chỉ đạo Công an quận, huyện giải quyết mau chóng thủ tục đăng ký hộ khẩu cho những người đã được các ngành chức năng (điều 1, 2, 3, 4 trên đây) xét duyệt cho nhập khẩu thành phố, đồng thời chỉ đạo công an quận, huyện thực hiện tốt công tác quản lý hộ khẩu theo điều lệ quy định, thường xuyên tập hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
5/ Đối với những người có gốc thường trú ở thành phố đi kinh tế mới, hồi hương lập nghiệp gặp khó khăn trở về thành phố, những người bị quy sai là tư sản đã được hạ thành phần, những người thuộc diện chính sách không tập trung vào trại tỵ nạn và những người từ các nơi khác đến cư trú bất hợp pháp tại thành phố thì giải quyết theo chỉ thị số 28/CT-UB ngày 26/6/1984 của Ủy ban nhân dân thành phố. Công an thành phố cần có kế hoạch tổ chức phân loại, xem xét giải quyết dứt điểm việc này trong năm 1989.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện cần thường xuyên nghe công an quận, huyện báo cáo tình hình, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu ở địa phương trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể, nhân dân ở các tổ dân phố, nhất là giáo dục đấu tranh chống các trường hợp cư trú bất hợp pháp. Tăng cường chỉ đạo công an quận, huyện rà soát lại các trường hợp cư trú bất hợp pháp, kịp thời đề xuất giải quyết thường trú cho những người đúng tiêu chuẩn, quy định thời hạn rời khỏi thành phố đối với những người không được thường trú ở thành phố, kiên quyết xử lý những người cư trú bất hợp pháp không tuân thủ thời hạn rời khỏi thành phố và những hộ gia đình chứa chấp người cư trú bất hợp pháp.
6/ Thủ trưởng các đơn vị được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền và phân công trách nhiệm trên đây cần đề cao ý thức trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể thực hiện một số việc quan trọng như sau :
- Chọn cán bộ có năng lực và phẩm chất, có quan điểm quần chúng, có tác phong làm việc hòa nhã lịch sự… giúp các đồng chỉ thủ trưởng thực hiện nhiệm vụ này.
- Trực tiếp nghe (hoặc ủy quyền đồng chí Phó chuyên trách), chỉ đạo giải quyết từng sự việc và chịu trách nhiệm về việc giải quyết này. Những trường hợp không chấp thuận cần nêu rõ lý do, bàn bạc để đương sự thông cảm, chấp nhận -hạn chế nguồn phát sinh các đơn khiếu nại tiếp theo. Những trường hợp, qua bàn bạc mà đương sự còn khiếu nại, các thủ trưởng cần nghe lại để có kết luận cụ thể. Nếu cần báo cáo xin ý kiến Ủy ban nhân dân thành phố.
- Chỉ đạo việc nghiên cứu để trong phạm vi 15 ngày trả lời kết quả cho đương sự. Những trường hợp nghi vấn cần xác minh, có thể kéo dài thêm 15 ngày và báo cáo cho đương sự biết để đỡ phài đi lại.
Việc giải quyết thủ tục, đăng ký hộ khẩu của công an quận, huyện không kéo dài quá 7 ngày.
- Thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ vì tư lợi làm sai chính sách, gây phiền hà cho quần chúng, đối với những người khai gian dối hoặc có hành vi đút lót hối lộ đối với cán bộ.
7/ Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố (Tổ Nội chính) thường xuyên theo dõi tình hình, qua ý kiến của các đơn vị phụ trách, nghiên cứu đề xuất ý kiến, giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này, đồng thời giúp Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết các đơn khiếu nại về hộ khẩu sau khi các cơ quan chức năng không giải quyết được.
Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu ban hành theo Nghị định 04/NĐ ngày 7/1/1988 của Hội đồng bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn 05/TT ngày 4/6/1988 của Bộ Nội vụ là sự đổi mới trong quá trình dân chủ hóa, công khai hóa của Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình.
Vì vậy, các ngành các cấp cần tổ chức tốt việc phổ biến và thực hiện nghiêm túc.-
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |