Chỉ thị 08/CT-BCA-V28 năm 2016 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Số hiệu: | 08/CT-BCA-V28 | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Công An | Người ký: | Tô Lâm |
Ngày ban hành: | 01/11/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | An ninh quốc gia, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-BCA-V28 |
Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm qua, thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ; ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố, lực lượng Bảo vệ dân phố trong toàn quốc đã được củng cố, kiện toàn một bước về tổ chức; các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm hơn về chế độ, chính sách, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Lực lượng Bảo vệ dân phố đã phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nắm, phản ánh kịp thời tình hình an ninh, trật tự; phát hiện và tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; tích cực tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ nhiều người có quá khứ lầm lỗi tại cộng đồng dân cư tiến bộ; vận động nhiều đối tượng truy nã, đối tượng trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn ra đầu thú; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn đô thị, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, tổ chức hoạt động của lực lượng Bảo vệ dân phố còn nhiều bất cập, hạn chế. Cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo, quản lý, tổ chức hoạt động; việc bố trí địa điểm làm việc, đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện, thực hiện chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố còn nhiều hạn chế. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng Công an có nơi, có lúc chưa sâu sát, kịp thời. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc một số công tác trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố, trọng tâm là: Nghị định số 38/2006/NĐ-CP , ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố; Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC, ngày 01/3/2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo hoạt động của lực lượng Bảo vệ dân phố gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng Bảo vệ dân phố trong tình hình hiện nay. Nghiên cứu, tham mưu phục vụ các cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc củng cố, kiện toàn, xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo, quản lý, xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố vững mạnh về tổ chức. Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố; kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng Bảo vệ dân phố đảm bảo đúng mô hình, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo quy định của pháp luật. Chú trọng việc rà soát, xử lý kịp thời những thành viên Bảo vệ dân phố hoạt động kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật; lựa chọn, giới thiệu những người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là những người trẻ tuổi, nhiệt huyết để nhân dân tín nhiệm bầu vào lực lượng Bảo vệ dân phố.
3. Đổi mới chương trình, nội dung tổ chức bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với lực lượng Bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tổ chức tốt việc cung cấp thông tin về pháp luật và tình hình an ninh, trật tự cho lực lượng Bảo vệ dân phố. Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ đối với lực lượng Bảo vệ dân phố; chú trọng bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phương pháp nắm tình hình an ninh, trật tự; kỹ năng hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, vận động đối tượng truy nã, đối tượng trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn ra đầu thú; phương pháp phối hợp với các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, tổ chức tuần tra, kiểm soát; kỹ năng tiếp cận giải quyết ban đầu các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn đô thị... Đa dạng hóa hình thức tổ chức bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng Bảo vệ dân phố đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn tập trung, Hội thi Bảo vệ dân phố giỏi, hội thảo, tọa đàm, giao lưu trao đổi kinh nghiệm thực tiễn công tác. Xây dựng, ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự đối với lực lượng Bảo vệ dân phố thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
4. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Bảo vệ dân phố. Hướng dẫn lực lượng Bảo vệ dân phố tăng cường phối hợp với Dân quân tự vệ, Dân phòng, các tổ chức quần chúng, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong công tác nắm tình hình, tuần tra kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; thường xuyên tổ chức các chương trình phối hợp hiệp đồng trong công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh của các lực lượng quần chúng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự. Chú trọng việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, biện pháp, kế hoạch công tác; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các quy định về lề lối làm việc, quy trình công tác của Bảo vệ dân phố, kịp thời phát hiện uốn nắn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót ngay từ khi mới phát sinh.
5. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của Bảo vệ dân phố trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng do Đảng, Nhà nước và địa phương phát động; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong lực lượng Bảo vệ dân phố. Hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết thi đua, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân Bảo vệ dân phố có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, xây dựng, hướng dẫn, quản lý lực lượng Bảo vệ dân phố.
6. Chủ động tham mưu với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn đến phụ cấp hàng tháng và các chế độ, chính sách khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trang bị đồng phục, công cụ hỗ trợ và các phương tiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố, nhất là những trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tham mưu với Ủy ban nhân dân phường, thị trấn (nơi bố trí mô hình Công an phường) bố trí nơi làm việc; cấp, quản lý các phương tiện phục vụ công tác của Bảo vệ dân phố theo quy định của pháp luật; có chế độ khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với lực lượng Bảo vệ dân phố, nhất là trong việc thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tuần tra, bảo vệ các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương.
7. Quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng Công an cơ sở, nhất là các Đội Xây dựng phong trào và quản lý Bảo vệ dân phố (hoặc đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh, trật tự) thuộc Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Công an phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh. Bố trí chỉ huy Đội Xây dựng phong trào và quản lý Bảo vệ dân phố (hoặc đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh, trật tự); chỉ huy Công an phường, thị trấn, Cảnh sát khu vực là những đồng chí có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác để tham mưu, tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo vệ dân phố thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
8. Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có kế hoạch thực hiện nghiêm túc và định kỳ hằng năm tiến hành sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 31/12 (qua Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc).
Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp lãnh đạo Bộ hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị này./.
|
BỘ TRƯỞNG |