Chỉ thị 08/2004/CT-UB về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 08/2004/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Nguyễn Thành Tài |
Ngày ban hành: | 19/03/2004 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2004/CT-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 03 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO.
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình phòng chống lao, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực, tăng cường phát hiện, quản lý chữa trị bệnh nhân lao trên toàn thành phố và đã đạt được các chỉ tiêu của Chương trình chống lao Quốc Gia và Tổ chức Y tế Thế giới đề ra. Số bệnh nhân lao tiếp nhận chữa trị hàng năm tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 12.000 người, chiếm khoảng 10% số bệnh nhân lao trong cả nước. Mạng lưới chống lao đã phủ khắp 100% phường, xã, thị trấn và đã mở rộng đến các Trung tâm Bảo trợ Xã hội, Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần, và các Trung tâm 05, 06.
Tuy nhiên, do đặc điểm thành phố là một đô thị lớn, có mật độ dân số cao, dân nhập cư đông và có nhiều đối tượng có nguy cơ nhiễm lao cao (người lang thang, nghiện ma túy...) nên chỉ số nguy cơ nhiễm lao của thành phố vẫn còn ở mức khá cao. Bên cạnh đó, dịch HIV vẫn đang phát triển, làm tăng thêm nguy cơ bùng phát dịch lao mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Do đó, để kiểm soát và tiến đến hạ thấp dịch lao trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, Ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế thành phố thực hiện tốt các biện pháp tăng cường công tác phòng chống lao trên toàn thành phố, cụ thể như sau :
I. CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG LAO :
1. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục phòng chống lao, nhằm nâng cao kiến thức, sự quan tâm của người dân, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm lao, phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm lao để đến cơ sở y tế chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Đặc biệt quan tâm và có biện pháp truyền thông thích hợp đối với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm lao cao : người nhiễm HIV, người lang thang, người trong các trại giam, tạm giam và trong các trung tâm 05, 06, người nghèo, công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhất là công nhân nhập cư sống trong các khu nhà trọ.
2. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống lao với sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể trong việc phát hiện sớm và quản lý chữa trị lao hiệu quả. Huy động mạng lưới y tế ngoài công lập tham gia thực hiện đầy đủ các qui định về chẩn đoán, quản lý chữa trị bệnh nhân lao, lồng ghép với chương trình chống lao chung của toàn thành phố. Phối hợp chặt chẽ hoạt động của chương trình chống lao với các chương trình chăm sóc sức khỏe khác, đặc biệt với chương trình phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm lao cao trong các trường, trại cũng như ở cộng đồng dân cư.
3. Tăng cường chỉ đạo, đầu tư phát triển mạng lưới phòng chống lao toàn thành phố, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phòng chống lao trong giai đoạn mới.
3.1. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, nhất là khu tiếp nhận chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân lao nhiễm HIV.
3.2. Củng cố, kiện toàn tổ chống lao ở các quận huyện : tăng cường biên chế, mở rộng cơ sở phòng chống lao và đảm bảo trang thiết bị cần thiết, để đủ khả năng vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống lao tại quận huyện trong tình hình mới, vừa tham gia hỗ trợ hoạt động phòng chống lao trong ở các trung tâm 05, 06.
3.3. Xây dựng và nâng cao năng lực tổ chống lao trong các trường, trại.
4. Thực hiện tốt các qui định quản lý điều trị lao có kiểm soát, đạt các chỉ tiêu chuyên môn về số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị, tỉ lệ âm hóa đàm, tỉ lệ bỏ trị…; tăng cường công tác phát hiện và tiếp nhận điều trị, đặc biệt cần tập trung cho các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm lao ; tổ chức tốt việc cách ly điều trị bệnh nhân lao trong các trường, trại ; cung ứng đầy đủ và kịp thời các phương tiện phục vụ chẩn đoán và thuốc điều trị lao ; huấn luyện nâng cao năng lực cán bộ phòng chống lao cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn quản lý sử dụng thuốc, hóa chất đúng qui định…
5. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá đúng tình hình dịch tễ lao và những biến đổi của các thể lao nhất là trên người nhiễm HIV để tiếp tục phát huy hiệu quả của hóa trị liệu ngắn ngày cho những năm tới.
6. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với chương trình chống lao, đặc biệt tiếp nhận và sử dụng tốt nguồn viện trợ của Quỹ toàn cầu cho chương trình chống lao.
II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM :
Để tăng cường phối hợp hành động tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống lao, Ủy ban nhân dân thành phố phân công trách nhiệm cho các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện như sau :
1. Sở Y tế :
1.1. Chủ trì phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống lao cho toàn thành phố. Phối hợp và hỗ trợ Ủy ban nhân dân các quận-huyện xây dựng triển khai kế hoạch phòng chống lao và thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phòng, chống lao trên địa bàn.
1.2. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng chống lao : triển khai hoạt động phòng chống lao trong mạng lưới y tế ngoài công lập, phân công tổ chống lao các quận-huyện hỗ trợ chống lao cho các trường, trại ; lồng ghép phòng chống lao với phòng chống HIV/AIDS và các chương trình chăm sóc sức khỏe khác.
2. Sở Văn hóa và Thông tin :
Phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức phòng, chống lao cho nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
3. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư :
Bố trí và cấp kinh phí kịp thời để đảm bảo đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ cho hoạt động phòng, chống lao.
4. Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố :
Phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và tầm soát lao trong công nhân và có chế độ hỗ trợ điều trị thích hợp đối với công nhân bị mắc bệnh lao.
5. Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên xung phong :
5.1. Khẩn trương triển khai các khu cách ly bệnh nhân lao và tổ chức nơi ở cho học viên các trung tâm 05, 06 theo hướng dẫn của Sở Y tế.
5.2. Khẩn trương đầu tư xây dựng củng cố và kiện toàn mạng lưới chống lao trong các trung tâm 05, 06, triển khai các phòng xét nghiệm, tổ chức tầm soát lao trong học viên và Cán bộ nhân viên các trung tâm, tổ chức quản lý điều trị theo hướng dẫn của Sở Y tế.
5.3. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, tiếp nhận, chăm sóc và tiếp tục quản lý chữa trị bệnh nhân lao vô gia cư tại các trung tâm Bảo trợ Xã hội sau khi đã điều trị ổn định tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố.
6. Công an thành phố :
Phối hợp với Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch xây dựng kế hoạch phòng chống lao trong các trại giam và tạm giam. Thực hiện tốt việc tầm soát phát hiện và quản lý chữa trị lao cho phạm nhân trong các trại giam.
7. Ủy ban nhân dân các quận-huyện :
7.1. Chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp chống lao trên địa bàn đạt các chỉ tiêu, quản lý, điều trị bệnh nhân lao.
7.2. Nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo đủ biên chế cán bộ chống lao của quận-huyện.
7.3. Chỉ đạo Trung tâm Y tế quận-huyện và Tổ chống Lao quận-huyện thực hiện tốt trách nhiệm hỗ trợ chống lao trong các trường, trại.
7.4. Tạo điều kiện cho cán bộ chống lao nâng cao trình độ chuyên môn và trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng chống lao với các địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1. Thủ trưởng các Sở-Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ Chỉ thị này xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện trong ngành và tại địa phương mình ; định kỳ báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Sở Y tế thành phố.
2. Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và theo dõi tổng hợp báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận : |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |