Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 về tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm
Số hiệu: 07/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Phạm Ngọc Nghị
Ngày ban hành: 24/06/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮKLẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 24 tháng 06 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NHẰM NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG TRẺ EM BỎ HỌC ĐI LAO ĐỘNG SỚM

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, sự chăm lo cho trẻ em của mỗi gia đình, cộng đồng nhờ vậy công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em đều đạt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình trẻ em nổi lên nhiều vấn đề phức tạp, trở thành vấn đề nóng gây bất ổn cho xã hội, một trong nhũng vấn đề đó là tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học, đi lao động tại một số tỉnh, thành phía nam.

Năm 2014 trên địa bàn toàn tỉnh có 266 trẻ em làm việc xa gia đình, trong đó có 86 cháu bị các đối tượng môi giới dụ dỗ bỏ học đi lao động ngoài tỉnh; Trong 6 tháng đầu năm 2015 tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động sớm vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, theo thống kê chưa đầy đủ của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trên 170 trẻ em bỏ học đi lao động ở tỉnh ngoài (chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh).

Tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động xa nhà đã và đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như trẻ em có thể bị dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật: tệ nạn ma túy, mại dâm, dễ bị bắt cóc hoặc sa vào các đường dây mua bán trẻ em. Thực tế trong năm 2014 đã có trường trẻ em đi lao động xa nhà bị mất tích và một số trường hợp bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai.

Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là hạn chế tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động sớm, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu vì trẻ em, tạo cơ sở để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên kiêm nhiệm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố, rà soát, đánh giá tình hình trẻ em lao động sớm và trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái phép tại các tỉnh; đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền phòng ngừa ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động.

b. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động; đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền.

c. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp, nhất là đội ngũ cộng tác viên kiêm nhiệm ở thôn, buôn, tổ dân phố; hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em cho các bậc cha, mẹ có con dưới 16 tuổi; hướng dẫn các địa phương nhận biết thủ đoạn của những người môi giới tuyển dụng lao động và phát hiện các trường hợp dụ dỗ trẻ em đi lao động sớm...

d. Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu xây dựng chính sách, hỗ trợ và can thiệp kịp thời những trường hợp trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động xa gia đình, ngoài tỉnh trở về với gia đình.

2. Công an tỉnh:

a. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; phối hợp với cơ quan Công an các tỉnh phía Nam điều tra xử lý kịp thời đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong việc môi giới, tuyển dụng và sử dụng lao động trẻ em trái phép.

b. Chỉ đạo Công an các cấp xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp đấu tranh quyết liệt với các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các đối tượng môi giới, dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động sớm.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các bậc phụ huynh và trong học sinh về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng môi giới tuyển dụng lao động trẻ em và những nguy cơ mà trẻ em phải đối mặt khi lao động xa nhà, vận động học sinh tích cực tới trường, hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh trong nhà trường thông qua các câu lạc bộ kỹ năng thành lập trong nhà trường.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các sản phẩm truyền thông để cung cấp cho Đài Truyền thanh - Truyền hình tỉnh; Cấp huyện và Đài phát thanh cơ sở; đồng thời tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chú trọng giáo dục cộng đồng, gia đình và trẻ em về kỹ năng, biện pháp bảo vệ trẻ em.

5. Sở Tài chính:

Trên cơ sở xem xét dự toán kinh phí của các đơn vị, căn cứ các qui định về việc phân bổ ngân sách, hướng dẫn các địa phương việc sử dụng kinh phí để thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp, nhất là đội ngũ cộng tác viên mới được thành lập; phổ biến kiến thức, kỹ năng cho trẻ em và các bậc cha, mẹ.

6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Đắk Lắk và các cơ quan thông tin đại chúng khác tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, tập trung các bài viết tuyên truyền về phòng ngừa tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động.

7. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a. Đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bố trí đủ cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở các cấp, đặc biệt ở cấp xã, tiếp tục duy trì và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố;

b. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nội dung của Chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh giai đoạn 2012-2020 và Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015; Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn.

c. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; thực hiện tốt các chính sách hiện hành đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo để giảm mạnh số lượng trẻ em bị lạm dụng sức lao động, trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm; đảm bảo cung cấp đầy đủ và có chất lượng; các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em;

d. Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài nhằm huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém.

e. Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát số liệu trẻ em đi lao động tại các địa phương và tổng hợp, báo cáo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (báo cáo ghi rõ danh sách, năm sinh, nơi ở và địa chỉ, công việc làm việc của trẻ em);

f. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm quyền trẻ em; chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn dân cư, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại Quyền trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, nắm chắc hoàn cảnh các hộ gia đình, số lượng trẻ em tham gia các hình thức lao động kiếm sống.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm quyền trẻ em nói chung và tình trạng dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động tại địa phương.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tỉnh... tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phát huy tính tự giác tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung và việc dụ dỗ, môi giới lao động trẻ em nói riêng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai nghiêm túc Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (B/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCT (Đ/c Mai Hoan);
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các thành viên;
- Các sở, ngành liên quan (có tên trong Chỉ thị);
- UBND các huyện, thị xã, TP;
- Văn phòng UBND tỉnh
+ CVP, PCVP (Đ/c Nay Nguyên);
+ Các phòng: TH, NC;
- Lưu: VT, VHXH (V- 45b).

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Nghị

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.