Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2007 về tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh, dịch vụ và phục vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Cần Thơ do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu: 07/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Tô Minh Giới
Ngày ban hành: 30/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 07/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 5 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG KINH DOANH, DỊCH VỤ VÀ PHỤC VỤ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Trong nhiều năm qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Ủy ban nhân dân các cấp, sự tham gia tích cực của các sở, ngành có liên quan và sự nỗ lực của ngành Y tế, đặc biệt là cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phối hợp liên ngành được tăng cường và ngày càng có hiệu quả; công tác giáo dục truyền thông được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố; bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, hiện nay nước ta đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và thành phố Cần Thơ là 01 trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương, sự lưu thông, kinh doanh thực phẩm ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp với các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng nhiều.

Hiện nay, tình hình vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đang ở mức báo động. Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trộn phẩm màu tổng hợp, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, ô nhiễm các nguồn nước đã để lại nhiều chất độc hại trong thực phẩm; nhiều phụ gia cấm sử dụng trong thực phẩm đang bị lạm dụng để chế biến nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, thức ăn sẵn, việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch, lễ hội, trường học, bệnh viện chưa được quản lý tốt, tình hình sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng, nhãn hàng hóa và quảng cáo thực phẩm không đúng sự thật vẫn luôn xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, văn minh đô thị, gây mất lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Căn cứ luật bảo vệ sức khỏe nhân dân số 21 LCT/HĐNN8 ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1989; Điều lệ Vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24 tháng 01 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành ngày 26 tháng 7 năm 2003; Căn cứ Chỉ thị số 08/1999/CT -TTg ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; căn cứ vào tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, để từng bước khắc phục tình trạng trên, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Giao Giám đốc Sở Y tế:

- Hằng năm, chủ trì tổ chức “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” trong toàn thành phố với sự tham gia của các sở, ban, ngành và đoàn thể;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan Báo, Đài tăng cường công tác thông tin, truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ nội dung thông tin, quảng cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Chủ trì, phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Phối hợp với Giám đốc các Sở: Thương mại, Công nghiệp, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai đến tận chủ cơ sở, cá nhân kinh doanh, sản xuất, chế biến, buôn bán, bảo quản, nhập và lưu thông thực phẩm, các căn tin, bếp ăn tập thể cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học… về các chủ trương của Nhà nước có liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm như Nghị định số 23/HĐBT ngày 24 tháng 01 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc “Ban hành Điều lệ về vệ sinh và thanh tra y tế”; Nghị định số 86/CP ngày 08 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ về việc “Quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa”; Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”; Chỉ thị số 02/BYT.CT ngày 09 tháng 02 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Tăng cường công tác trật tự an toàn thực phẩm”; Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT ngày 28 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định về các điều kiện vệ sinh chung đối với cơ sở sản xuất thực phẩm”; Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm”; Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống”; Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Bộ Y tế về việc Ban hành “Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao”.

- Phối hợp với Giám đốc các Sở: Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công nghiệp dự thảo các quy định về những tiêu chuẩn chung có phạm vi điều chỉnh tất cả các hoạt động kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, để làm căn cứ cho các ngành chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc cấp phép đăng ký kinh doanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị nêu trên thực hiện nghiêm những điều quy định trong các văn bản của trung ương và địa phương về an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm theo Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ.

2. Giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với các cơ quan Báo, Đài trên địa bàn thành phố thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến những quy định và giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đến các đối tượng kinh doanh dịch vụ ăn uống kể cả người tiêu dùng, nhằm nâng cao ý thức trong kinh doanh, dịch vụ phục vụ ăn uống và trong việc sử dụng, chế biến thực phẩm; nêu gương các cơ sở, cá nhân thực hiện tốt và phản ánh phê phán các cơ sở cá nhân chưa thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thành phong trào rộng khắp trong nhân dân tham gia thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân.

3. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống các trường học, không để các cơ sở dịch vụ ăn uống không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng các dịch vụ ăn uống trong các trường học; đồng thời phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học, huy động giáo viên và học sinh tham gia tích cực công tác về vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Giao Giám đốc Công an thành phố theo chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan phát hiện, điều tra xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh, dịch vụ và phục vụ ăn uống bao gồm các thực phẩm trong chợ, tại các cửa hàng mua bán, các dịch vụ thực phẩm trên đường phố…; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện đúng quy định các Nghị định, Chỉ thị, Quyết định, Thông tư hiện hành về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc khi cấp giấy phép kinh doanh thì chủ cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do các ngành chức năng liên quan cấp theo tinh thần Nghị định số 02/CP ngày 05 tháng 01 năm 1995 của chính phủ “Quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước”; Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về “Phạm vi kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh” trong đó phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm do Trung tâm Y tế dự phòng cấp.

Yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, các sở, ban, ngành có liên quan và đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này và thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục ATVSTP; (đã ký)
- BCĐ LN VSATTP;
- TT.TU; TT. HĐND;
- TT.UBND thành phố;
- Các sở, ban, ngành và đoàn thể;
- UBND quận, huyện;
- VP.UBND thành phố (3D);
- Lưu: TTLT.ND

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tô Minh Giới