Chỉ thị 07/CT-UB năm 1994 về tăng cường quản lý nguồn hàng viện trợ
Số hiệu: 07/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Lê Huỳnh
Ngày ban hành: 29/04/1994 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UB

Bến Tre, ngày 29 tháng 4 năm 1994

 

CHỈ THỊ

“VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGUỒN HÀNG VIỆN TRỢ”

Trong thời gian vừa qua khoản thu từ nguồn tiền, hàng viện trợ quốc tế ngày càng lớn, rất nhiều đơn vị tiếp nhận và được sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, công tác quản lý nguồn thu này chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, chế độ hạch toán kế toán, thống kê không được chấp hành nghiêm túc. Để chấn chỉnh công tác quản lý tiền, hàng viện trợ quốc tế đưa việc tiếp nhận sử dụng vào nề nếp. Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Tất cả thiết bị, vật tư, hàng hóa và tiền, (ngoại tệ và đồng Việt Nam) do nước ngoài viện trợ cho ta từ mọi nguồn là tài sản của Nhà nước các sở, ban ngành và huyện thị, các hội và đoàn thể khi tiếp nhận các khoản viện trợ từ bên ngoài đều phải báo cáo cho UBND tỉnh, Sở Tài chánh vật giá và Ban quản lý các chương trình viện trợ của tỉnh chịu sự quản lý thống nhất như mọi tài sản khác của Nhà nước theo chế độ hiện hành.

a) Đối với đơn vị hành chánh sự nghiệp:

- Viện trợ là hàng tiêu dùng và vật tư, nguyên liệu:

Các đơn vị nhận và sử dụng phải coi như một nguồn kinh phí như ngân sách Nhà nước cấp, phải có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản và sử dụng đúng mục đích như đã thỏa thuận trong các cam kết với tổ chức viện trợ , triệt để tiết kiệm và chống mọi tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng số vật tư hàng hóa được tiếp nhận. Trường hợp bán hàng viện trợ thu tiền (nếu được phép) đơn vị phải báo cáo cơ quan tài chính đồng cấp để điều chỉnh kế hoạch kinh phí của đơn vị.

- Viện trợ là thiết bị, phụ tùng (để xây dựng, lắp đặt):

Các đơn vị nhận và sử dụng loại hàng hóa này phải quản lý và sử dụng theo đúng mục đích, đối tượng và quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành của Nhà nước.

Cơ quan tài chính ghi kế hoạch thu, chi bằng nguồn vốn viện trợ vào kế hoạch ngân sách hàng năm của đơn vị phù hợp với kế hoạch của Nhà nước.

- Viện trợ là tiền tệ (tiền mặt, séc các loại ):

Toàn bộ số ngoại tệ viện trợ của các đơn vị (không kể số ngoại tệ do các tổ chức viện trợ chi trực tiếp cho chuyên gia nước ngoài để thực hiện dự án và chi trực tiếp cho cán bộ đi học tập, tham quan, khảo sát ở nước ngoài...) phải được bán cho quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước, đơn vị chỉ dùng tiền Việt Nam để sử dụng trong nước. Trường hợp cần thiết phải sử dụng ngoại tệ, đơn vị phải báo cáo, nếu nhu cầu đó là chính đáng, đơn vị sẽ được mua lại ngoại tệ, nhưng không vượt quá số lượng ngoại tệ đã bán.

b) Đối với các doanh nghiệp Nhà nước:

- Viện trợ là hàng hóa, vật tư, thiết bị, phụ tùng:

Các đơn vị nhận viện trợ phải hạch toán tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp. Tùy theo tính chất của hàng viện trợ để hạch toán tăng vốn lưu động hay vốn cố định.

Trường hợp hàng viện trợ không có giá ngoại tệ (hoặc không có giá cả của mặt hàng tương đương trong nước) thì giá của hàng viện trợ phải do hội đồng định giá quy định (gồm đại diện Sở Tài chính -Vật giá, Ban quản lý các chương trình viện trợ quốc tế, sở chủ quản và đơn vị nhận hàng).

- Viện trợ là ngoại tệ (tiền mặt, séc các loại):

Số ngoại tệ viện trợ phải gởi vào ngân hàng, khi cần sử dụng (nếu được duyệt) thì được phép rút ra để sử dụng (bằng tiền Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ). Tùy theo nội dung sử dụng đơn vị hạch toán tăng vốn lưu động hoặc vốn cố định nguồn ngân sách Nhà nước cấp.

2. Ban quản lý các chương trình viện trợ quốc tế là cơ quan đầu mối của tỉnh trong quan hệ với các tổ chức và cá nhân viện trợ nước ngoài, khi được các Bộ, ngành Trung ương phân phối viện trợ về địa phương, tiền, hàng viện trợ của tất cả các đơn vị trong tỉnh đều phải thông qua cơ quan đầu mối để được hướng dẫn, quản lý và điều hành chung.

Mọi hành vi nhận viện trợ không thông qua cơ quan đầu mối đều được coi là trốn tránh sự quản lý của nhà nước và đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

3. Sở Tài chánh - Vật giá thực hiện chức năng quản lý tài chính Nhà nước đối với tất cả các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, các hội, đoàn thể, các cơ sở kinh tế có nhận và sử dụng viện trợ.

4. Thủ trưởng các đơn vị là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý và kết quả sử dụng nguồn viện trợ đã tiếp nhận.

Về nguyên tắc, viện trợ phải được sử dụng đúng cam kết đã ghi trong các chương trình và dự án. Trường hợp cần sử dụng, điều hòa viện trợ trái với cam kết phải được phép bằng văn bản của UBND tỉnh.

5. Giá thanh toán tiền, hàng viện trợ để ghi cấp kinh phí (đơn vị hành chính sự nghiệp) hoặc cấp vốn (doanh nghiệp) là trị giá ngoại tệ, hàng hóa được chuyển đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng ngoại thương công bố tại thời điểm nhận hàng.

6. Các đơn vị nhận, sử dụng viện trợ phải chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh Kế toán thống kê do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 20/5/1988 và Điều lệ tổ chức kế toán ban hành theo Nghị định số 25-HĐBT ngày 18/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Giám đốc Sở Tài chánh - Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã những vấn đề cụ thể có liên quan để thực hiện tốt những nội dung nêu trong Chỉ thị này./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Huỳnh

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.