Chỉ thị 07/2015/CT-UBND về tăng cường bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp tỉnh Bình Phước
Số hiệu: 07/2015/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Phạm Văn Tòng
Ngày ban hành: 22/06/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2015/CT-UBND

Đồng Xoài, ngày 22 tháng 06 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Trong những năm qua, công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định; các công trình lưới điện cao áp đã được bảo vệ, vận hành an toàn, cung cấp ổn định nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình xâm phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn còn diễn ra và phức tạp như: trộm cắp, cơi nới nhà cửa lấn chiếm hành lang tuyến, trồng cây gần lưới điện, đặc biệt là cây cao su không đảm bảo khoảng cách quy định tại Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện (viết tắt là: Nghị định số 14/2014/NĐ-CP); việc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các quy định mới về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp chưa chặt chẽ và đồng bộ.

Để tăng cường biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm về an toàn điện trong thời gian tới, phù hợp với hệ thống các văn bản hiện hành, đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp, nâng cao chất lượng vận hành an toàn hệ thống lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo vệ tính mạng cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp, các Công ty Cao su trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung như sau:

1. Đối với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan:

a) Sở Công Thương:

- Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn điện. Tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết xử lý các trường hợp vi phạm phức tạp, vướng mắc khi có đề nghị của Hội đồng xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện huyện, thị xã; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa rõ hoặc gặp bất cập, khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

- Đề xuất với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm theo quy định những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định về đảm bảo an toàn công trình lưới điện.

b) Công an tỉnh:

- Chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tham gia hỗ trợ địa phương, đơn vị quản lý vận hành lưới điện xử lý các trường hợp vi phạm khi có yêu cầu.

- Tổ chức lực lượng, phương tiện triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ, kịp thời nắm tình hình làm tốt công tác phòng ngừa; đồng thời chỉ đạo điều tra xác minh làm rõ xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp, trộm cắp vật tư, thiết bị điện; thường xuyên thông báo, trao đổi với các phòng, ban, địa phương và đơn vị quản lý vận hành lưới điện về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xâm phạm công trình lưới điện cao áp để phối hợp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn.

c) Sở Xây dựng:

- Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo công trình trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp hoặc có khả năng ảnh hưởng đến an toàn công trình lưới điện cao áp có cấp điện áp từ 220KV trở xuống, phải yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp theo đúng khoản 2, Điều 51 của Luật Điện lực. Không cấp phép cho tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó theo đúng khoản 3, Điều 51 của Luật Điện lực.

- Thanh tra, kiểm tra về an toàn điện đối với các công trình lưới điện cao áp.

d) Sở Giao thông vận tải

Thực hiện kiểm tra, thanh tra cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tuyến đường tỉnh, quốc lộ được ủy thác quản lý theo quy định, đảm bảo không ảnh hưởng đến công trình điện áp.

đ) Sở Tài chính:

Trên cơ sở kế hoạch và dự trù kinh phí hằng năm của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh, Sở Tài chính cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách để đảm bảo hoạt động của Ban chỉ đạo để tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra xử lý, khen thưởng, v.v...

e) Sở Tư pháp:

Phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ban ngành có liên quan, tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện phổ biến các văn bản quy luật pháp luật về an toàn điện.

f) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã và đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn chỉ đạo các cơ quan báo chí, Website tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh các huyện, thị xã tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy định về an toàn điện trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các Doanh nghiệp viễn thông thực hiện đúng các quy định về an toàn, mỹ quan đô thị khi sử dụng chung trụ các công trình điện.

g) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện xây dựng quy định cụ thể mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đất; nhà ở, công trình; cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện quy định tại Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP .

- Hỗ trợ địa phương, đơn vị quản lý vận hành lưới điện, Chủ đầu tư các công trình điện xác nhận phần diện tích đất, nguồn gốc phần đất xây dựng các công trình điện cao áp để có phương án bồi thường, hỗ trợ.

h) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến các văn bản có liên quan về công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Quy hoạch quảng cáo ngoài trời không được đặt các biển quảng cáo trong hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp và ngoài hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp khi các biển quảng cáo có khả năng ngã đổ vi phạm khoảng cách an toàn điện quy định tại khoản 2, Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP .

i) Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể:

Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

j) Trách nhiệm của các Công ty Cao su đóng trên địa bàn tỉnh:

- Tích cực hỗ trợ địa phương, đơn vị quản lý vận hành lưới điện trong việc giải tỏa hành lang an toàn lưới điện để đảm bảo khi cây cao su ngã đổ không vi phạm khoảng cách an toàn điện quy định tại khoản 2, Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP .

- Thực hiện việc trồng mới cây cao su phải đảm bảo khoảng cách quy định tại khoản 2, Điều 12 của Nghị định 14/2014/NĐ-CP .

2. Đối với UBND các huyện, thị xã:

a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về thực hiện an toàn điện trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn cho nhân dân về kiến thức sử dụng điện an toàn, các quy định về bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ Chủ đầu tư các công trình điện hoàn tất thủ tục xác định hiện trạng vị trí đặt trạm biến áp, móng trụ điện và hướng tuyến đường dây điện đi qua trên địa bàn.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, duy trì, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

- Chịu trách nhiệm trong việc cấp phép xây dựng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo công trình nhà ở, giao thông, cây xanh,... theo thẩm quyền nếu để chủ công trình vi phạm đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

b) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn:

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn điện trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời hướng dẫn nhân dân về việc đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Quản lý toàn diện về trật tự xây dựng trên địa bàn, có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý kịp thời và báo cáo cấp trên các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp xảy ra trên địa bàn.

- Chỉ đạo cán bộ xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn, cùng cán bộ ngành điện, quản lý trật tự xây dựng, phòng chuyên môn quản lý về điện của các huyện, thị xã lập biên bản, hồ sơ vi phạm yêu cầu đình chỉ và đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định.

- Chịu trách nhiệm trong việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo thẩm quyền nếu để chủ công trình vi phạm đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

3. Đối với cơ quan quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh:

a) Thường xuyên kiểm tra, phát hiện cây trồng mới, nhà cửa, công trình dự kiến xây dựng dọc theo hành lang tuyến đường dây tải điện có khả năng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, kịp thời vận động, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân biết để chấp hành đúng quy định.

b) Rà soát, kiểm kê, dự báo số lượng cây, nhà, công trình hiện hữu xây dựng, trồng mới có khả năng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện trên toàn tuyến để có phương án xử lý và bố trí kinh phí hỗ trợ di dời, giải tỏa đền bù (nếu có). Đồng thời có biện pháp để đảm bảo an toàn vận hành lưới điện; phối hợp với chính quyền địa phương lắp đặt các biển cảnh báo, đánh dấu số cây, nhà, công trình vi phạm, giải thích, thông báo cho chủ công trình và nhân dân biết để có phương án phòng tránh tai nạn điện, giao thông trong khu vực dự kiến đánh dấu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời.

c) Chủ động làm việc với các Công ty Cao su đóng trên địa bàn tỉnh, chủ sở hữu cây cao su để thống nhất phương án, phạm vi chặt tỉa nhánh, cành tái sinh và giải tỏa cây cao su để đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện cao áp.

d) Khi nhận được văn bản đề nghị xây dựng mới hoặc cải tạo công trình và hồ sơ có liên quan của chủ công trình, đơn vị quản lý lưới điện cao áp phải có trách nhiệm khảo sát hiện trường nơi dự kiến xây dựng, cải tạo công trình và lập văn bản thỏa thuận với chủ công trình về an toàn điện đối với nhà ở, công trình xây dựng. Trường hợp không thỏa thuận được phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

e) Ngừng cấp điện khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày 14/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

f) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về an toàn điện.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã phường, thị trấn; các Công ty Cao su, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Báo cáo định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối quý và đột xuất khi có yêu cầu gửi về UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương).

Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị kịp thời gửi văn bản về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 01/2010/CT-UBND ngày 20/01/2010 của UBND tỉnh về việc tăng cường bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Bình Phước./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- TT.HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ BVHLATLĐCA tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã;
- Các Đơn vị QLVH LĐCA trên địa bàn tỉnh;
- Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh;
- Các Công ty Cao su trên địa bàn tỉnh;
- Báo Bình Phước, Đài PTTH Bình Phước;
- LĐVP, Các phòng;
- Trung tâm Tin học - Công báo, Website tỉnh;
- Lưu: VT, (Quế-15.6).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tòng