Chỉ thị 07/2011/CT-UBND về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu: 07/2011/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Trần Công Chánh
Ngày ban hành: 28/06/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2011/CT-UBND

Hậu Giang, ngày 28 tháng 6 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để thực hiện nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật đã được quy định tại Điều 52 Hiến pháp 1992 và góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Sau 05 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng: Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng được củng cố, kiện toàn, năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý được nâng lên, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý đa dạng và phong phú cho người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc, người tàn tật, người già, trẻ em không nơi nương tựa; đồng thời hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quản lý xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý góp phần đưa pháp luật vào đời sống, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với nhân dân, sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và ổn định trật tự xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế nhất định: Sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội với cơ quan quản lý và trực tiếp thực hiện công tác trợ giúp pháp lý chưa chặt chẽ và thường xuyên; nguồn nhân lực thực hiện công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ cộng tác viên của trung tâm từng lúc, từng nơi còn thiếu nhiệt tình trong công việc, trình độ, năng lực còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở,... Vì vậy, đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Tiếp tục phổ biến sâu rộng Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức thích hợp, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của mỗi người dân trong toàn tỉnh về công tác trợ giúp pháp lý. Đặc biệt là các đối tượng được trợ giúp pháp lý, các địa bàn ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; thường xuyên củng cố, kiện toàn, tiếp tục phát triển mở rộng mạng lưới cộng tác viên theo hướng nâng cao chất lượng, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và cộng tác viên cơ sở.

c) Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý ở cơ sở; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chi nhánh Trung tâm và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

d) Thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý tại trụ sở cũng như lưu động; tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng theo yêu cầu của các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, bảo đảm việc trợ giúp được thực hiện kịp thời, chính xác và đúng pháp luật.

đ) Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác trợ giúp pháp lý.

2. Các cơ quan tiến hành tố tụng:

Đề nghị tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp tuyên truyền, giới thiệu những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được tiếp cận tổ chức trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu để trợ giúp viên, cộng tác viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

3. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và cá nhân khác có trình độ chuyên môn thuộc cơ quan, tổ chức mình tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

b) Khi nhận được văn bản kiến nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét giải quyết và thông báo kịp thời kết quả giải quyết bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tăng cường chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý để các tầng lớp nhân dân biết, chủ động tiếp cận và thụ hưởng chính sách này; từng bước thiết lập các chuyên mục giới thiệu, hỏi đáp pháp luật miễn phí; phối hợp, hỗ trợ giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Sở Tài chính: Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hợp lý để đảm bảo cho việc đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang và các đoàn thể tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí; khuyến khích và tạo điều kiện để các đoàn viên, hội viên tham gia cộng tác viên trợ giúp pháp lý, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

7. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh của Trung tâm tại các huyện trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương.

b) Hỗ trợ và tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất giúp các Chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý trên địa bàn hoạt động thuận lợi, có hiệu quả.

8. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 18/2005/CT-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

 Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- VP. Chính phủ (HN - TP. HCM);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản,
 Cục Trợ giúp pháp lý);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- VP. TU và các Ban Đảng;
- UBMTTQ, các Đoàn thể tỉnh;
- TAND, VKSND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Sở Tư pháp (Phòng Văn bản);
- Lưu: VT.KSTTHC.HK

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh