Chỉ thị 07/2008/CT-UBND về nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: | 07/2008/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lâm Đồng | Người ký: | Huỳnh Đức Hòa |
Ngày ban hành: | 18/08/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2008/CT-UBND |
Đà Lạt, ngày 18 tháng 8 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
Thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25/12/1998, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh, trong những năm qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 1.981 tổ hòa giải đã được thành lập ở các thôn, khu phố, cụm dân cư với 9.650 hòa giải viên. Đây là những nhân tố tích cực trong việc giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, xích mích, các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giảm bớt các vụ việc phải đưa đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên việc quản lý, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hòa giải vẫn còn bất cập, kiến thức pháp luật, năng lực hòa giải của nhiều hòa giải viên còn hạn chế, kinh phí hoạt động cho các tổ hòa giải chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, hiệu quả hoạt động của một số tổ hòa giải chưa cao, một số mâu thuẫn, xích mích, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư chưa được giải quyết thấu đáo, kịp thời, trong đó có không ít vụ việc dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội.
Nhằm tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của tổ chức hòa giải ở cơ sở; phát huy trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để công tác hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, nhằm phát huy tác dụng và hiệu quả tích cực trong cuộc sống.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn UBMTTQ các cấp, nhất là cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo quy định để nhân dân bầu vào các tổ hòa giải trên địa bàn. Tiếp tục tập trung củng cố, kiện toàn tổ hòa giải hiện có, thành lập các tổ hòa giải mới, đảm bảo mỗi tổ dân phố, khu phố, chung cư, nhà tập thể và các cụm dân cư khác (đối với đô thị) và ở thôn, xóm, buôn, tổ đội sản xuất (đối với nông thôn) có ít nhất 01 tổ hòa giải (mỗi tổ có từ 03 tổ viên trở lên). Tùy thuộc vào đặc điểm, cơ cấu xã hội cụ thể và tính chất mâu thuẫn, tranh chấp của từng địa bàn dân cư mà xác định cơ cấu, số lượng tổ hoà giải và hoà giải viên phù hợp, đảm bảo sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trong cộng đồng dân cư ở địa phương. Thực hiện nghiêm việc bầu và miễn nhiệm đối với hòa giải viên, Tổ trưởng Tổ hòa giải đúng theo Điều 8, Điều 9 - Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở ... Gắn công tác hòa giải với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở", các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, gia đình văn hóa”, “Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” ...
3. Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn phải thường xuyên thực hiện tốt trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cùng cấp trong việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với tổ chức hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 6 - Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, đảm bảo các tổ chức hòa giải ở cơ sở được tổ chức, hoạt động theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước. Chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kinh nghiệm, cung cấp tài liệu nghiệp vụ về công tác hòa giải cho đội ngũ những người làm công tác hòa giải ở cơ sơ. Sở Tư pháp định kỳ tổ chức rà soát, thống kê về tình hình tổ chức và kết quả hoạt động hòa giải trong toàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư Pháp; tổ chức sơ kết, tổng kết, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích phong trào hòa giải ở cơ sở.
4. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan hàng năm lập dự toán kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải cơ sở ở địa phương. Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn chế độ kinh phí cho các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
5. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở; chỉ đạo các phòng, ban liên quan trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ vào Pháp lệnh về tổ chức hoạt động và hòa giải cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ để củng cố, kiện toàn lại các tổ hòa giải ở cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hàng năm, phân bổ hợp lý ngân sách địa phương phục vụ cho công tác hòa giải cơ sở.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, phải phản ánh kịp thời về UBND tỉnh và Sở Tư pháp để xem xét giải quyết./-
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Thông tư 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Ban hành: 05/08/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 160/1999/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở Ban hành: 18/10/1999 | Cập nhật: 09/12/2009